Cổ phần hóa DNNN: Trắc trở nhưng không lùi bước (Kỳ 2)

(BĐT) - Dự kiến ngày 16/10/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nhân dịp này, Báo Đấu thầu đăng tải loạt bài viết nhìn lại quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với những thành công cũng như bất cập trên chặng đường đã qua. Chặng đường tiếp theo đòi hỏi những chuyển động và sự kết nối nhịp nhàng giữa các chủ thể tham gia, đặc biệt là trong một hành lang pháp lý đủ “cứng” để đạt mục tiêu đề ra.
Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất Thủ tướng nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại 4,6% cổ phần Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ. Ảnh: Nhã Chi
Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất Thủ tướng nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại 4,6% cổ phần Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ. Ảnh: Nhã Chi

KỲ 2: SAI LẦM VÀ MẤT MÁT

Đã có giai đoạn, chuyến tàu cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vút đi, bỏ qua cả những quy định bắt buộc và cần thiết. Để rồi sau đó, tổn thất về tiền bạc và tài sản nhà nước đã khiến không ít cá nhân bị đề nghị kỷ luật. Đó là hậu quả có thể định lượng được phần nào, còn mất mát niềm tin của người dân về một chủ trương đúng đắn thì không thể đong đếm. 

Nhanh và chậm

Gần 3 thập niên qua, có năm hàng trăm, có năm chỉ vài chục DNNN được cổ phần hóa, nhưng chưa bao giờ tiến độ chậm như hiện nay. Từ năm 2003 đến 2006, có đến 2.649 DNNN được cổ phần hóa. Riêng trong năm 2015, có 239 DNNN hoàn tất cổ phần hóa.

Đó là những giai đoạn “hoàng kim” nhất của việc thực hiện cổ phần hóa xét về mặt số lượng. Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, tiến độ đang chậm lại rõ rệt với vài chục DNNN hoàn tất cổ phần hóa mỗi năm.

Về thực trạng này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính đánh giá: “Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Sự chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN”.

Theo ông Tiến, vấn đề đáng chú ý nhất trong cổ phần hóa hiện nay là con người. Việc bán vốn nhà nước tại DN bị chậm lại có nguyên nhân khá quan trọng là những con người vừa làm vừa sợ trách nhiệm và ngại đổi mới, một số lãnh đạo DN còn tâm lý sợ mất quyền quản lý. Nhiều trường hợp không muốn công khai việc mua, bán và quản lý tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, còn có tình trạng trông chờ cơ chế thật rõ ràng mới làm, mượn lý do vướng mắc cơ chế, kiến nghị sửa cơ chế để kéo dài việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá.

Ngược lại, cũng có tư tưởng muốn làm nhanh để phục vụ lợi ích cá nhân dẫn đến tình trạng “xé rào” các quy định để thực hiện, dẫn đến hậu quả là sau cổ phần hóa nhưng DN vẫn ở tình trạng “bình mới rượu cũ”. 

Lận đận và truân chuyên

Một vài năm trở lại đây, bức tranh cổ phần hóa trở nên rõ nét hơn, đặc biệt là về những mảng xám trong quá trình chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần. Ở đó, có những thương vụ hàng đã trao, tiền đã gửi nhưng vẫn phải trả lại cho Nhà nước. Cảng Quy Nhơn và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là những ví dụ điển hình cho trường hợp này.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về cổ phần hóa Cảng quy Nhơn đã chỉ rõ các sai phạm. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN đã chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Tháng 3 năm nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn đã bán cho nhà đầu tư sai quy định.

Với thương vụ ACV, đầu tháng 9 năm nay, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại 4,6% cổ phần đã bán cho cổ đông ngoài nhà nước để DN này lại là DNNN.

Cả hai DN trên đều thuộc quản lý của Bộ GTVT, cơ quan từng là điểm sáng về cổ phần hóa DNNN trong tổng kết giai đoạn 5 năm 2011 - 2015. Trong giai đoạn này, ngành giao thông đã cổ phần hóa được 137 DN, vượt xa so với con số 70 DN được phê duyệt trước đó. Trong đó, có nhiều DN có quy mô lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam với tổng tài sản trên 57 nghìn tỷ đồng; ACV với tổng tài sản trên 40 nghìn tỷ đồng; Vinalines với tổng tài sản trên 17 nghìn tỷ đồng...

Chưa đầy 4 năm sau đó, Kỳ họp 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về những vi phạm trong thực hiện cổ phần hoá DNNN. Cùng với đó, một số nguyên lãnh đạo cấp cao đã bị đề nghị kỷ luật.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT và các lãnh đạo cấp cao đó đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Về tình trạng “nhanh và sai sót” của quá trình cổ phần hóa thời gian qua, GS. TS. Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - bình luận: “Phải thừa nhận thực tế là các DN cổ phần hóa rơi vào tình trạng không đạt mục tiêu tái cấu trúc DN mà chuyển sang dạng DN cổ phần hóa bị thay đổi về định hướng ngành nghề kinh doanh, thậm chí nhiều DN bị giải tán. Có nhiều chuyện tưởng vô lý mà họ vẫn làm được, vẫn làm trái được”.

Cái giá cho những cá nhân gây ra sai phạm đã rõ, nhưng ở khía cạnh khác, tài sản nhà nước đã mất, uy tín một số cơ quan bị sa sút, và đau lòng nhất là niềm tin của người dân về một chủ trương đúng đắn bị giảm sút.

Những tổn thất về tiền bạc và tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hoá DNNN hẳn phải có nguyên nhân từ sự lỏng lẻo trong các quy định pháp lý hoặc những kẽ hở tạo cơ hội để nhiều cá nhân có thể toan tính kiếm lợi. Mời đón đọc Kỳ 3: “Thất thoát từ những kẽ hở pháp lý”.

Tin cùng chuyên mục