Quá trình sắp xếp lại cơ sở nhà, đất tại các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đang gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Ảnh: Tường Lâm |
Văn bản số 4544/BTC-PTDN nhằm hướng dẫn cụ thể một số nội dung liên quan đến phương án sử dụng đất khi CPH DN. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các DNNN thực hiện CPH và các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (bao gồm cả phương án sử dụng đất khi CPH DN) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng trình tự và thẩm quyền về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Hướng dẫn nhấn mạnh: “Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DN thực hiện CPH phải bao gồm toàn bộ diện tích đất của các DN có vốn góp của DN thực hiện CPH và chưa được sắp xếp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản pháp luật về CPH”. Một số chuyên gia tài chính cho rằng, quá trình sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất hiện đang mất rất nhiều thời gian và gặp rất nhiều khó khăn, hướng dẫn trên cũng rất khó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN.
Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP (Nghị định 126) về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, để CPH DNNN, phải hoàn thành phương án sử dụng đất và được UBND cấp tỉnh địa phương đồng ý về phương án sử dụng đất trước khi CPH. Song trên thực tế, việc này thường kéo dài thời gian, đặc biệt là ở các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn có cơ sở đất đai trải rộng ra nhiều địa phương.
Tại một cuộc họp mới đây liên quan đến DNNN, đại diện Ban Pháp chế thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho hay: “Thực hiện CPH ở DNNN có liên quan đến đất đai đang cực kỳ tắc. Chỉ riêng việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo hướng dẫn của Nghị định 167/2017/NĐ-CP (Nghị định 167) là một quá trình khủng khiếp”. Theo đại diện Vinafood 1, để thực hiện nghị định này, DN phải lập một danh sách tài sản (đất) rồi trình lên cấp trên, khi được cấp trên đồng ý thì gửi đi các tỉnh. Trong khi đó, mỗi DN có hàng trăm cơ sở đất đai ở hàng chục tỉnh khác nhau, DN muốn CPH sẽ phải đến từng tỉnh lấy ý kiến rồi quay về nộp Bộ Tài chính. Sau đó Bộ Tài chính lại lấy ý kiến các đơn vị có liên quan mới ra phương án CPH, nhưng ra phương án xong, trường hợp có thay đổi lại một vòng khủng khiếp như thế.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, quá trình CPH của DN đang “tắc” bởi một phần quan trọng do có liên quan đến việc thực hiện Nghị định 167. “HUD là DN bất động sản nên tài sản của DN là liên quan đến đất đai… nhưng việc thực Nghị định 167 đang hết sức vất vả”, DN nói.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hiện có 2 đơn vị trực thuộc công ty mẹ, 2 đơn vị sự nghiệp, 3 DN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 21 đơn vị nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Mỗi đơn vị này lại có rất nhiều cơ sở đất đai tại nhiều địa phương. Do đó, để thực hiện đúng quy trình về CPH DNNN theo các quy định hiện hành, theo chuyên gia, DN phải mất hàng năm trời may ra mới có thể hoàn thành được.
Theo các thông tin công bố, hiện còn tới 6 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phải hoàn thành CPH trước ngày 31/12/2020. Đó là: Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (công ty mẹ). Đây là những đơn vị nắm giữ rất nhiều đất ở nhiều địa phương, để hoàn thành được theo yêu cầu là vấn đề không dễ dàng.