Xuất bán sản phẩm tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Chuyển động tích cực từ giá dầu
Giá dầu WTI tăng mạnh từ mức hơn 40 USD/thùng lên trên 70 USD/thùng trong vòng nửa năm qua đã tạo tiền đề cho bước tăng trưởng nhảy vọt về hiệu quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Quý I/2021, Công ty ghi nhận lợi nhuận 1.848 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng (quý IV/2020, Công ty đạt lợi nhuận 1.246 tỷ đồng).
Biên lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ 10% trong quý đầu năm, mức cao nhất theo quý kể từ quý II/2018. Với nhiều nỗ lực, sản lượng tiêu thụ trong quý I/2021 đạt khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế vượt 113% kế hoạch cả năm.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng dương nhờ những nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% trong năm 2021, nhu cầu xăng dầu sẽ tiếp tục hồi phục và là cơ sở để Lọc hóa dầu Bình Sơn tập trung sản xuất đạt công suất và sản lượng lớn nhất.
Giá dầu được dự báo tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ năm 2021 dự báo tăng 6,6% so với năm 2020. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu có thể đạt 80 USD/thùng trong năm nay. Đây là cơ sở để kỳ vọng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn tiếp tục cải thiện, góp phần mang lại lợi nhuận khả quan cho Công ty.
Nỗ lực duy trì hiệu quả tốt nhất
Bối cảnh kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, song yếu tố bất định vẫn còn lớn. Bởi vậy, Công ty đang tiếp tục nỗ lực để duy trì kết quả sản xuất kinh doanh khả quan nhất trong điều kiện dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, khó lường.
Công ty đã và đang tập trung vận hành nhà máy an toàn, ổn định ở công suất cao với chế độ vận hành và cơ cấu sản phẩm tối ưu; tiếp tục làm tốt công tác dự báo thị trường; đẩy mạnh công tác sáng kiến cải tiến, nghiên cứu, ứng dụng, đa dạng hóa sản phẩm mới có giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và chế biến thử nghiệm các loại dầu mới để không ngừng mở rộng giỏ dầu thô; xây dựng chiến lược dầu thô giai đoạn (tối thiểu từ 3 - 5 năm) và triển khai đàm phán, ký kết các hợp đồng cung cấp dầu thô dài hạn (từ 3 - 5 năm) cho 50% - 80% nhu cầu dầu thô chế biến của Nhà máy.
Công tác nghiên cứu và tối ưu hóa được ưu tiên đặc biệt nhằm nâng cao năng suất lao động, mức độ an toàn, tin cậy thiết bị/vận hành của Nhà máy, chất lượng sản phẩm, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công ty cũng sẽ tập trung nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp, triển khai áp dụng hệ thống ERP nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Hiện cổ phiếu BSR đang giao dịch trên UPCoM, vốn không chịu nhiều quy định khắt khe về công bố thông tin như HOSE và HNX. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty chủ trương thực hiện chế độ công bố thông tin minh bạch và kịp thời đến các nhà đầu tư theo tiêu chuẩn của những doanh nghiệp niêm yết quy mô vốn hóa lớn. Bởi vậy, cổ phiếu BSR đạt tính thanh khoản thuộc nhóm cao nhất sàn UPCoM, tương đương mức thanh khoản của nhiều mã trong VN30 trên HOSE. Đây là kết quả và sự đánh giá chuẩn xác của thị trường, của nhà đầu tư với Công ty.