Các doanh nghiệp Việt vẫn chưa coi phát triển thương hiệu là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa. Ảnh: Tiên Giang |
Những vấn nạn liên quan đến thương hiệu vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển thương hiệu của DN chân chính.
Thiếu năng lực phát triển thương hiệu
Từ góc độ kết nối cung cầu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN Việt, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, đến nay, nhiều sản phẩm đã được kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sở hữu những thương hiệu bán lẻ như Big C, Lotte Mart, Aeon… đã tích cực tham gia Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn 2020. Hoạt động này đã hỗ trợ các DN Việt đưa hàng hóa sản xuất trong nước tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối của DN FDI cũng như xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ cùng thương hiệu toàn cầu.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Vũ Bá Phú, thời gian qua, các DN Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó cải thiện dần khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa xuất nhập khẩu. Mặc dù vậy, hơn 90% DN Việt Nam hiện có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản vẫn còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, với nhận thức chưa thực sự đầy đủ về vai trò quan trọng của thương hiệu…
Ông Vũ Bá Phú chỉ ra rằng, những hạn chế đó đang cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam.
Dẫn chứng cho câu chuyện này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long chia sẻ, quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới cho thấy các sản phẩm này dù có chất lượng, song vẫn chưa hấp dẫn người tiêu dùng do chưa xây dựng được thương hiệu, hình ảnh bao bì chưa bắt mắt… Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Bà Lê Việt Nga nhìn nhận, đến nay, người tiêu dùng Việt Nam đã ủng hộ thương hiệu hàng hóa của DN Việt Nam. Tuy nhiên, việc giữ được các thương hiệu đó hay không phụ thuộc vào chính DN.
Đề cập về việc còn một số chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn “kêu” khó tìm nhà cung ứng sản phẩm trong nước cho các gói thầu/dự án, bà Nga nêu giải pháp các đơn vị mua sắm công phải tuyệt đối tuân thủ các quy định hiện hành về việc ưu tiên sản phẩm trong nước có chất lượng tương đương, nếu làm sai phải bị xử lý. Cùng với đó, các DN trong nước phải lớn lên, phải đổi mới, làm ăn chân chính, không gian lận thương mại.
Đại diện Hiệp hội DN Thuốc lá đề nghị, các bộ ngành cần xem xét giảm thiểu các rào cản pháp lý, duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Với vai trò là cơ quan xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Vũ Bá Phú cam kết, Cục Xúc tiến thương mại sẽ trợ giúp tích cực cho DN xây dựng kỹ năng, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu, đối phó với những thách thức từ hội nhập.