Việc bãi bỏ điều kiện về quy mô DN giúp các đơn vị vận tải quy mô nhỏ chủ động hơn trong kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Ngoại trừ các ĐKKD được bãi bỏ, vấn đề đang được đặt ra là cần bảo đảm những ĐKKD được đơn giản hóa thực sự tạo thuận lợi cho DN, tránh chuyển từ “trạng thái này sang trạng thái khác”.
Cắt giảm, đơn giản 67,36% điều kiện kinh doanh
Theo phương án cắt giảm, đơn giản các quy định về ĐKKD trong lĩnh vực GTVT, có tới 384 trên tổng số 570 ĐKKD thuộc lĩnh vực này sẽ được đơn giản, cắt giảm - tương đương 67,36%.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, việc đơn giản, cắt giảm tới gần 70% ĐKKD trong lĩnh vực vận tải sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho DN. Những ĐKKD như phải có số lượng phương tiện tối thiểu, có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh, nơi đỗ xe bảo đảm các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... cần phải được bãi bỏ, bởi đây là trách nhiệm của DN trong quá trình hoạt động.
Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và ĐKKD vận tải, DN kinh doanh vận tải phải đáp ứng điều kiện về số lượng phương tiện tối thiểu. Cụ thể: DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại và từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo. Tương tự, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt là 50 xe.
Để đáp ứng điều kiện về số lượng xe tối thiểu, không ít DN đã phải gửi phương tiện vận tải của mình vào một công ty cổ phần vận tải lớn hơn để kinh doanh. Nhiều DN chỉ góp cổ phần trên danh nghĩa nhưng hàng tháng vẫn phải đóng cho công ty nhận gửi xe một khoản phí hàng chục triệu đồng, mặc dù công ty này không chi phối hoạt động của DN.
“Chi phí đầu tư ban đầu của một DN vận tải phổ biến từ 10 - 20 tỷ đồng (khoảng 3 - 5 xe). Đây là số vốn không nhỏ đối với các DN nhỏ. Nếu bỏ được điều kiện về quy mô DN, các DN này sẽ được đàng hoàng thành lập DN, tự chủ trong kinh doanh và nhất là hàng tháng không phải mất một khoản “phí” vô lý”, ông Thanh chia sẻ.
Theo thống kê, hiện số đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước có quy mô nhỏ hơn 5 xe khoảng trên 17.000 đơn vị, chiếm hơn 70% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải. Điều này có nghĩa nếu thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP, hầu hết các đơn vị vận tải không đáp ứng được quy định về quy mô.
Quy định phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh cũng khiến nhiều DN kinh doanh vận tải lao đao. Theo rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có những DN đã bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để mua xe nhưng phải “đắp chiếu” vì chờ được chấp thuận theo quy định liên quan đến bến bãi. Đã đến lúc “cần phải xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho, chuyển sang hậu kiểm, để tránh tình trạng DN bị thiệt hại do chính sách”, VCCI kiến nghị.
Với hoạt động kinh doanh xe taxi, các DN tiếp tục gặp khó khăn với quy định về việc kiểm định đồng hồ taxi. Theo VCCI, các DN cho rằng, Nhà nước đã kiểm soát chặt về chất lượng đồng hồ, song vẫn “bắt” DN đăng kiểm mỗi năm 1 lần là gây phiền hà, tốn kém chi phí cho DN. Quy định này cần phải được bãi bỏ để DN tự chịu trách nhiệm với xã hội.
Bãi bỏ hẳn các điều kiện kinh doanh không cần thiết
Đánh giá cao việc Bộ GTVT cắt giảm, đơn giản gần 70% số ĐKKD, song ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương vẫn băn khoăn: “Có những ĐKKD có thể cắt bỏ được nhưng thực tế lại là chuyển từ “trạng thái này sang trạng thái khác”. Vì vậy, theo ông Hiếu, Bộ GTVT phải mạnh dạn cắt giảm, bãi bỏ các ĐKKD này, bởi chỉ có bỏ hẳn các ĐKKD thì mới giảm gánh nặng cho DN.
Cũng theo ông Hiếu, với lĩnh vực kinh doanh vận tải, những điều kiện áp đặt về phương thức kinh doanh, mức trần quy mô DN, phù hiệu vận tải không khác gì “giấy phép của giấy phép”. Để hỗ trợ DN kinh doanh, phát triển, đóng thuế, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích càng nhiều DN tham gia vào thị trường càng tốt. Khi đó, các DN sẽ tự có sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ. DN lớn cũng phải tự thay đổi mình để không bị các DN mới thành lập cạnh tranh, vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải cần thể hiện được tinh thần của Chính phủ là kiến tạo. Chính sách đó không thể nói nhiều về cơ quan quản lý, có nhiều ĐKKD không thể thực hiện, thể hiện sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Chính sách cũng cần phải được nhìn từ phía cung, phía quản lý, chứ không nhìn từ phía cầu và phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người sử dụng. Chỉ có như vậy mới khuyến khích ngành kinh tế vận tải phát triển.