DN và các hiệp hội DN phải chủ động hơn trong việc tham gia phản biện, xây dựng chính sách. Ảnh: Lê Tiên |
Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng từ cải cách
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2018 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 15/1 đã ghi nhận nhiều điểm sáng trong cải cách pháp luật kinh doanh. Theo Báo cáo, tổng số văn bản xây dựng pháp luật được ban hành năm 2018 là khoảng 891 văn bản, trong đó có 16 luật, 18 nghị quyết, 169 nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 590 thông tư của các bộ, ngành và 47 văn bản khác... Đặc biệt, tính đến hết tháng 11/2018, có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được ban hành, sửa đổi 80 nghị định của 15 bộ, ngành. Trong đó, có thể kể đến: Nghị định 25 quy định về hoạt động in, Nghị định số 15 về thủ tục công bố hợp quy thực phẩm, Nghị định số 119 về hóa đơn điện tử, Nghị định 108 về thủ tục đăng ký DN...
Có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các bên. Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ, vấn đề một thanh socola cõng 13 giấy phép đã được nhiều DN sữa theo đuổi từ năm 2012 đến năm 2018 mới được sửa đổi. Nghị định 15 ra đời đã giúp cho DN giảm được tới 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng.
“Chúng ta đã làm được nhiều việc trong cuộc “đồng khởi” này, khi 50% ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa hoặc gỡ bỏ. Điều này đã giải phóng DN khỏi hàng ngàn thủ tục và chi phí không cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của DN, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét.
Tuy nhiên, Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra nhiều điểm cải cách còn chậm và chưa đi vào thực chất, tư duy quản lý của các bộ, ngành vẫn còn “gập ghềnh”. Trình tự thực hiện của một số quy định vẫn còn phức tạp; thiếu quy định về thủ tục hành chính; thiếu mốc thời gian; thời hạn giải quyết thủ tục còn dài; tiêu chí xem xét còn mơ hồ... Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, vẫn còn tình trạng dùng dằng trong giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi hợp đồng, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước... Việc bãi bỏ các ĐKKD của một số bộ, ngành vẫn chưa thực chất, bỏ cũ nhưng lại thêm mới, lồng thêm các giấy phép khác...
Thách thức lớn trong duy trì động lực cải cách
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có nhiều thách thức rất lớn để thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm 2019 là cắt giảm tối đa 50% ĐKKD. Thứ nhất là làm thế nào để duy trì động lực cải cách, bởi theo ông Hiếu, các cuộc cải cách trong thời gian qua hầu hết đều xuất phát từ Chính phủ, từ yêu cầu của Chính phủ, mà chưa quan sát thấy có một cơ quan bộ, ngành nào chủ động đề ra và có sáng kiến cải cách trong lĩnh vực mình quản lý.
Thứ hai là vấn đề kiểm soát chất lượng các quy định ĐKKD.
Thứ ba là phạm vi cải cách. “Một nghị định dày 30 trang, nhưng chỉ có 2 ĐKKD được bãi bỏ, trong khi còn vô số phụ lục khác, những ràng buộc nghĩa vụ đằng sau đang cản trở DN lại chưa được gỡ bỏ”, ông Hiếu nhận định.
Thứ tư là thực thi hiệu quả và thông tin đến từng DN một cách kịp thời.
Muốn đạt được mục tiêu đề ra, ông Hiếu đề xuất, Chính phủ cần bãi bỏ ngay lập tức hàng loạt ĐKKD mà không cần tranh cãi như: các điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tại cơ quan nhà nước; lãnh đạo DN phải có bằng cấp cao đẳng, đại học, có 3 năm kinh nghiệm... Các đơn vị có chức năng kiểm tra, kiểm soát, kiểm nghiệm phải đưa ra khỏi các bộ, ngành và giao cho một đơn vị độc lập thực hiện. Nên tách bạch cơ quan được giao chủ trì soạn thảo luật với cơ quan thực thi pháp luật.
Muốn nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản pháp luật, đại diện CIEM đề nghị, cần có sự đầu tư lớn để nâng cao năng lực cho các cán bộ trực tiếp làm chính sách.
Quan trọng hơn cả, theo đại diện một hiệp hội DN, là sự chủ động của cộng đồng DN và hiệp hội DN trong việc tham gia phản biện, xây dựng chính sách. Bởi động lực cải cách chính là tạo thuận lợi cho DN trong kinh doanh. Do đó, công cuộc cải cách thể chế năm 2019 cần thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt hơn.