Nếu nguyên nhân nhà thầu bị loại được công khai, nhiều nhà thầu chuyên làm “chân gỗ” sẽ dễ dàng rơi vào tầm ngắm của cơ quan giám sát. Ảnh: Gia Khoa |
Tuy nhiên, nhiều bên mời thầu (BMT) chưa tuân thủ nghiêm quy định này dẫn đến những hệ lụy và nghi vấn về việc cố tình né tránh sự giám sát, nhận diện nhà thầu “chân gỗ”.
Bất cập trong công khai KQLCNT
Báo Đấu thầu tiếp nhận thông tin kiến nghị của Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Viết Vinh (Nhà thầu Viết Vinh) khi tham gia đấu thầu Gói thầu số 1: Trang bị băng ghế chờ cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thuộc dự án cùng tên. Dự án do Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất làm chủ đầu tư. Theo đơn kiến nghị của Nhà thầu Viết Vinh do Giám đốc Trần Viết Hiệp ký, thông báo KQLCNT Gói thầu số 1 không nêu đầy đủ thông tin theo quy định. “Xét thấy đây là gói thầu mà Công ty hoàn toàn có thể đáp ứng được, với mong muốn mang lại lợi ích cho Chủ đầu tư về tài chính, chất lượng sản phẩm tốt nhất nên chúng tôi đã chào giá với mức thấp nhất so với các nhà thầu khác và thời gian thực hiện gói thầu ngắn nhất. Ngoài ra, về phần năng lực so với yêu cầu của hồ sơ mời chào hàng, Công ty cũng đáp ứng được. Nhưng chúng tôi lại nhận được thông báo từ phía chủ đầu tư là hồ sơ không đáp ứng về năng lực”.
Nhà thầu Viết Vinh đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ đầu tư đề nghị nêu rõ phần đánh giá năng lực có điểm nào chưa đạt so với tiêu chí của Gói thầu. Ông Hiệp cho biết thêm, Nhà thầu mong muốn được biết HSĐX của mình được đánh giá cụ thể như thế nào, tiêu chí nào chưa đạt để từ đó hoàn thiện hơn trong việc lập HSĐX, HSDT các gói thầu sau này. “Với thông báo trên, chúng tôi quả thật không thể tự trả lời được cho chính bản thân mình”, ông Hiệp băn khoăn.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Nhà thầu Viết Vinh, BMT đã ngay lập tức mời nhà thầu đến để làm rõ nội dung kiến nghị. “Chúng tôi đã có cuộc làm việc thẳng thắn với Nhà thầu Viết Vinh, nói rõ những nội dung mà HSĐX của nhà thầu này chưa đáp ứng các tiêu chí của HSYC. Nhà thầu đã chấp nhận giải thích của BMT. Trong thông báo KQLCNT Gói thầu, chúng tôi đã không nêu rõ lý do không đáp ứng của một số nhà thầu nên mới dẫn đến thắc mắc chính đáng này của nhà thầu. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức đấu thầu sau”, đại điện BMT cho biết.
Trong hai ngày liên tục, Nhà thầu Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thủy lợi II (HEC II) nhận được 3 thông báo KQLCNT và chỉ có 1 thông báo đúng chuẩn. Theo đó, thông báo KQLCNT Gói thầu “Khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công cống Vũng Liêm” của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) công bố có đầy đủ thông tin theo quy định, trong đó có danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt lý do không được lựa chọn. Nhà thầu HEC II cho rằng, việc thông báo đầy đủ thông tin đã giúp các nhà thầu không được lựa chọn hiểu rõ tại sao HSDT của mình bị loại, từ đó cũng tránh bớt việc kiến nghị không đáng có.
Trong khi đó, thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của Gói thầu Khảo sát địa hình, thủy văn và lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, quy trình bảo trì công trình thuộc Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ do Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ công bố ngày 20/9/2016 lại khiến các nhà thầu hụt hẫng. Theo thông báo này, ngoài tên nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật là Viện Kỹ thuật Biển (với 94 điểm kỹ thuật), không có thông tin và số điểm của các nhà thầu khác đã nộp HSDT. “Với thông báo này, các nhà thầu bị loại hoàn toàn không biết mình được bao nhiêu điểm kỹ thuật, bị loại vì không đạt những tiêu chí gì?”, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng giám đốc HEC II cho biết.
Lọt sổ những nhà thầu “chân gỗ”
Đó là quan ngại của nhiều nhà thầu khi trao đổi với Báo Đấu thầu về tình trạng thông báo KQLCNT không cung cấp đầy đủ thông tin diễn ra tại nhiều gói thầu. “Trong hầu hết các cuộc đấu thầu hình thức, thành phần chân gỗ tham gia theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” rất dễ bị nhận diện. Chỉ cần tinh ý, thông qua biên bản mở thầu đã có thể nhận diện được hành tung của các nhà thầu “chân gỗ” này. Tuy nhiên, nếu các thông báo KQLCNT của các BMT được thực hiện đúng chuẩn, các nhà thầu “chân gỗ” càng dễ lộ diện hơn”, một nhà thầu tại Đồng Nai khẳng định. “Thông thường, HSDT/HSĐX của đội quân “chân gỗ” sẽ bị loại bởi những lý do trời ơi mà bất kỳ nhà thầu chuyên nghiệp nào cũng không phạm phải như: Không có niêm phong; không có đơn dự thầu, không có bảo lãnh ngân hàng, giá dự thầu vượt giá gói thầu bất thường… Nếu những nguyên nhân bị loại của nhà thầu được công khai, nhiều nhà thầu chuyên làm “chân gỗ” sẽ dễ dàng bị đưa vào diện nghi vấn hơn đối với các cơ quan giám sát”, một nhà thầu tư vấn có trụ sở tại TP.HCM cho biết thêm.
Việc công bố lý do không được lựa chọn trong thông báo KQLCNT sẽ giúp các nhà thầu chân chính biết được nguyên nhân mình bị loại để khắc phục khi tham dự các gói thầu tiếp theo, hoặc ít ra cũng tránh bớt tình trạng kiến nghị không đáng có; đồng thời, không vô tình dồn các nhà thầu chân chính vào “một giỏ” với đội quân “chân gỗ” trong đấu thầu.