Công nghệ mới “tấn công” mô hình kinh doanh cũ

(BĐT) - Sự phát triển như vũ bão của công nghệ mới đã đem lại những thành tựu lớn lao đối với hoạt động kinh tế, nhưng cũng chính từ đây bắt đầu phát sinh hàng loạt thách thức đối với các mô hình kinh doanh truyền thống. 
Các dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú nếu áp dụng tốt sẽ huy động một lượng lớn nhà ở trong dân phục vụ cho việc lưu trú của khách du lịch. Ảnh: Thùy Anh
Các dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú nếu áp dụng tốt sẽ huy động một lượng lớn nhà ở trong dân phục vụ cho việc lưu trú của khách du lịch. Ảnh: Thùy Anh

Những cuộc “tấn công” của công nghệ mới nhắm vào mô hình kinh doanh truyền thống ngày càng khốc liệt và phần thắng đang không nghiêng về... “người cũ”.

“Người mới” bị xem như “kẻ tội đồ”

Ở Việt Nam, khái niệm về kinh tế chia sẻ (sharing economy) đã được đề cập và áp dụng từ nhiều năm nay. Bản chất và cũng là lợi thế vô đối của kinh tế chia sẻ là xuất phát từ mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Không chỉ Uber, Grab, mà các phần mềm về đặt phòng (AirBnB), cũng như các kỹ thuật thanh toán mới đang đe dọa các ngành kinh doanh truyền thống. Trong khi khách hàng đang rất hào hứng với các mô hình kinh doanh mới, thì các ông chủ của mô hình kinh doanh truyền thống lại xem sự xuất hiện của những “người mới” như “kẻ tội đồ”.

Mặc dù những tranh cãi trong suốt thời gian qua giữa Uber, Grab với các hãng taxi truyền thống vẫn chưa có hồi kết, nhưng xét trên thế mạnh cạnh tranh, mô hình mới đang lấn át gần như triệt để mô hình cũ. Cảm giác uất ức tới mức căm phẫn của những người thua cuộc khó mà xóa tan được khi “nồi cơm” nhân viên cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp (DN) bị đe dọa. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đưa ra cơ chế pháp lý phù hợp để hai mô hình này không triệt tiêu nhau là không đơn giản, bởi thị trường truyền thống vốn chưa đủ nhanh nhạy để theo kịp các trào lưu kinh doanh hiện đại, trong khi mô hình kinh doanh mới lại “lớn nhanh như thổi”.

Không những sở hữu thế mạnh về công nghệ, việc các mô hình kinh doanh mới, mà điển hình là Grab, Uber dùng những ngón đòn về giá cước để đánh bật taxi truyền thống ra khỏi cuộc cạnh tranh, khiến cho các đối thủ lại một lần nữa rơi vào điêu đứng. PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, từng cảnh báo rằng, việc Grab và Uber áp dụng các chiêu thức khuyến mãi, siêu rẻ, siêu giảm giá, chi hoa hồng cho lái xe, chủ xe và người giới thiệu, trợ giá cho lái xe và chủ xe, thậm chí chấp nhận bù lỗ cho đến khi đối thủ rơi vào đường cùng, nhằm chiếm lĩnh toàn bộ thị trường, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì suy cho cùng, đây không phải là cạnh tranh mà là một hình thức triệt tiêu đối thủ.

Vấn đề sục sôi nhất được đặt ra, liệu trong tương lai gần Việt Nam sẽ ứng phó thế nào với các mô hình phát sinh tương tự, mà cụ thể ở đây là các phần mềm về đặt phòng (AirBnB), cũng như các kỹ thuật thanh toán mới? Bởi dịch vụ kinh doanh chia sẻ đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực chứ không còn gói gọn trong những nhóm ngành nói trên. Rồi đây, bất động sản qua mô hình co-working cho thuê văn phòng, hay du lịch với thuê chung nhà; tài chính với cho vay theo nhóm, kết nối vay vốn ngân hàng; dịch vụ nhân sự với chia sẻ nhân viên, hay dọn nhà; dịch vụ chia sẻ vận tải - kho bãi... sẽ nở rộ. Nghĩa là, sự đe dọa của “người mới” đối với “người cũ” luôn hiện hữu và thường trực, chứ không còn khu biệt trong một số nhóm ngành.

Điều đáng lo ngại là, đối với những ngành như taxi truyền thống, họ đang buộc phải thay đổi toàn diện, còn những ngành tuy có ảnh hưởng nhưng ở mức chưa nhiều, thuộc các “địa hạt” nói trên, dường như vẫn còn rất lơ là trong chuyện chống đỡ. Tuy bản chất của kinh tế chia sẻ không phải là lợi nhuận mà là khai thác giá trị sẵn có và nhàn rỗi, thế nhưng khi lượng người hành nghề “chia sẻ” ngày một đông thì phúc lợi giảm đi và tạo ra sự xung đột. 

Giá trị cuối cùng của các công ty khởi nghiệp mới là tạo ra sản phẩm dịch vụ mà người dùng cảm thấy phù hợp nhất với chi phí họ bỏ ra

Phải thay đổi chính mình

Trước thực tế đã và đang diễn ra, một câu hỏi được mọi người quan tâm là, các DN, đặc biệt là DN trong nước, cần có giải pháp nào cho phù hợp để “xuyên qua khủng hoảng” của sự cạnh tranh? Nếu không có giải pháp tốt, trong tương lai, không chỉ các ông chủ của Mai Linh hay Vinasun phản ứng với Uber, Grab, mà các ngân hàng hay công ty tài chính có khả năng phản ứng với các dịch vụ cho vay theo nhóm; hay chủ khách sạn có thể phản ứng với mô hình AirBnB...

Đặt chân vào Việt Nam từ năm 2014, Uber, Grab đã đẩy cuộc đua tranh thị phần vận tải trở nên kịch tính và khốc liệt. Để chống chọi, 3 năm qua, các mô hình kinh doanh vận tải ở Việt Nam cũng dần thay đổi và đã đưa nhiều dịch vụ mới gia nhập thị trường. Đến nay đã có nhiều đơn vị trong nước được cấp phép cung ứng dịch vụ tương tự Uber và Grab gồm: Tập đoàn Mai Linh với M.car, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam với V.Car, Công ty CP Sun Taxi với S.Car, Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội với Thanh Cong Car, Công ty Thương mại và Dịch vụ Linh Trang - Taxi Long Biên với LB.car…

Tuy chưa thể đưa ra kết luận sự thay đổi trên sẽ thành công hay thất bại, nhưng việc tự thay đổi chính mình để theo kịp thời đại công nghệ nhằm thích nghi với môi trường kinh doanh mới là hoàn toàn hợp lý. Thông thường, giá trị cuối cùng của các công ty khởi nghiệp mới là tạo ra sản phẩm dịch vụ mà người dùng cảm thấy phù hợp nhất với chi phí họ bỏ ra. Khi thị trường đã chấp nhận thì khó có ai cản được con đường mà họ đang đi. Giữa quyền lợi và sự tiến bộ, bao giờ sự tiến bộ cũng có ưu thế hơn vì nó vận động theo quy luật tất yếu của nhân loại.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, đối với nền kinh tế chia sẻ, nếu vận dụng thành công sẽ huy động được một nguồn lực lớn trong xã hội để cùng nhau phát triển. Đơn cử như các dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú theo mô hình AirBnB, nếu áp dụng tốt sẽ huy động một lượng lớn nhà ở trong dân phục vụ cho việc lưu trú. Điều này không những mở ra một phân khúc mới “không đụng hàng”, mà còn tạo nên bức tranh đa sắc cho ngành du lịch.

Những thách thức mới sẽ còn tiếp tục nảy sinh từ sự biến đổi liên tục của công nghệ. Cho nên, khó có thể tìm được tiếng nói chung để xoa dịu những xung đột giữa “người cũ” và “người mới”. Xưa nay, giữa mô hình kinh doanh truyền thống và hiện đại khi giao thời đều có những va đập tương tự. Vì vậy, bên cạnh trông đợi sự thay đổi kịp thời từ các chính sách của Nhà nước, giải pháp tốt nhất đối với mô hình kinh doanh truyền thống lúc này là phải thay đổi chính mình, nhất là về mặt công nghệ.

Tin cùng chuyên mục