Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được 45% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa. Ảnh: Lê Tiên |
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đặt ra hàng loạt mục tiêu cụ thể để ngành CNHT Việt Nam chinh phục và ghi tên mình trên bản đồ thế giới.
Nội lực còn yếu
Đề cập về hiện trạng của ngành CNHT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Số lượng doanh nghiệp (DN) CNHT còn quá ít”. Trong số khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện của cả nước, chỉ có hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Đánh giá về khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, còn khá nhiều bất cập, như ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40 - 45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7 - 10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghệ cao chỉ đạt 5%. Nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn lớn.
Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị cũng chỉ rõ hiện trạng đầy khó khăn của các DN ngành CNHT. Đơn cử, về chính sách, dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển CNHT, nhưng các chính sách được ban hành rất chậm. Các quy định hiện hành cũng còn không ít bất cập, vướng mắc nên không tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy CNHT phát triển. Trong chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, Bộ Công Thương cho rằng, dù đây được xem là một trong những biện pháp ưu đãi chủ yếu nhằm thu hút đầu tư, nhưng chính sách này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi lẽ, phản hồi của các DN CNHT trong nước cho thấy, ưu đãi này có thể là kẽ hở cho một số DN lợi dụng, khi hết thời hạn ưu đãi họ có thể chuyển sang địa điểm khác, hoặc mở ra dự án mới để lại được hưởng giai đoạn ưu đãi mới.
Với chính sách tiếp cận tín dụng dành cho các DN CNHT, cơ chế cho vay, ưu đãi của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia khá ngặt nghèo, quy trình thủ tục phức tạp, khiến DN, đặc biệt là DN tư nhân, gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để triển khai các dự án đầu tư. Pháp luật về đất đai và môi trường không có các quy định đặc thù và rõ ràng về các ưu đãi này cho các dự án CNHT. Do đó, chưa có DN CNHT nào tiếp cận được với các ưu đãi nói trên...
Với thực trạng trên, Thủ tướng nhìn nhận, nội lực của các DN CNHT trong nước còn yếu, chưa đủ để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Lực lượng tham gia sản xuất, phát triển CNHT chưa ứng dụng được nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, năng lực của DN lại yếu kém cả về nhân lực và quản lý, chưa bắt kịp với xu hướng đi lên của thế giới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn ngành…
Trở thành công xưởng của thế giới có quá khó?
Đặt câu hỏi “CNHT Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?” trong bài phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển ngành công nghiệp được xem là “bánh đà” thúc đẩy nền công nghiệp nước nhà.
Phân tích của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lựa chọn Trung Quốc và các nước ASEAN là cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nên các nước ASEAN, trong đó đặc biệt là Việt Nam, có cơ hội trở thành cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Bởi vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để trở thành một công xưởng sản xuất, có thể của châu Á, của thế giới hay của ASEAN với một tinh thần quyết tâm cao nhất.
Người đứng đầu Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Cũng ngay tại hội nghị này, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN CNHT thông qua việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, bằng các việc làm cụ thể. Đó là, Bộ Công Thương phải nghiên cứu phát triển, áp dụng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số vào thực tế ở Việt Nam trong CNHT cũng như làm rõ vai trò đầu tàu của DN; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tín dụng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển…