Nhiều thông tin tích cực đang tiếp thêm động lực cho phục hồi sản xuất công nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Khắc phục khó khăn, khơi thông nguồn lực
Từng là tâm dịch của đợt dịch thứ 4, đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh Bắc Giang đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Số liệu được Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp đang lấy lại đà tăng trưởng. Trong tháng 8, IIP của Bắc Giang tăng ấn tượng với mức tăng 36,6% so với tháng 7/2021 và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính vào mức tăng này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đề cập về nguyên nhân IIP tăng ấn tượng, đại diện cơ quan thống kê tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, do các doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn như: Fuhong, Newwing, Siflex, Luxshare, Hosiden... có công suất sử dụng máy móc đạt từ 80% trở lên; người lao động tăng ca để đảm bảo giao hàng cho đối tác. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ trên thế giới dần hồi phục nên lượng đơn đặt hàng mới tăng và các DN thúc đẩy tiến độ giao hàng, điển hình là ngành may mặc…
Tương tự, Bắc Ninh từ chỗ là điểm nóng dịch bệnh, đến nay, hầu hết DN trên địa bàn và các khu công nghiệp lớn đã hoạt động bình thường trở lại.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trong tháng 8/2021, IIP của Tỉnh tăng 13,63% so với tháng trước và tăng 6,18% so với tháng 8/2020, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,67% và tăng 6,21%. Một số ngành chủ lực có mức tăng cao như: In, sao chép bản ghi các loại tăng 123,6%; sản xuất trang phục tăng 30,4%; đồ uống tăng 23,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 83,5%... Tính chung 8 tháng, IIP của Tỉnh tăng 9,81% so với cùng kỳ năm 2020.
Với TP. Hải Phòng, IIP tháng 8 tăng 9,08% so với tháng trước và tăng 21,24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng, IIP của Thành phố tăng tới 20,63% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng cao như phân bón, màn hình ti vi, xe ô tô…
“Tiếp sức” cho đà tăng IIP của thành phố cảng, mới đây, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đã tăng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất Thành phố.
Bên cạnh các địa phương trên, nhiều tỉnh như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ngãi, Kon Tum… cũng có mức tăng IIP ấn tượng trong tháng 8 cũng như 8 tháng đầu năm nay.
Dồn dập tín hiệu phục hồi kinh tế
Những tín hiệu tích cực mới đang tiếp đà cho phục hồi sản xuất công nghiệp khi “chìa khóa” để Việt Nam khống chế dịch, thực hiện “mục tiêu kép” là vaccine đang có diện bao phủ ngày càng lớn với tốc độ tiêm nhanh hơn. Điều này đồng nghĩa với cơ hội để các địa phương, nền kinh tế mở cửa trở lại ngày càng rõ rệt.
Thông tin từ cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 13/9 cho biết, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15/9 và 21/9 trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều DN bày tỏ vui mừng về bước khởi động để Thủ đô phục hồi, thúc đẩy kinh tế phát triển sôi động trở lại.
Liên quan đến hoạt động sản xuất của DN trên địa bàn Thủ đô, Bộ Công Thương cho biết, Hà Nội hiện có trên 600 điểm “vùng xanh DN” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động, chung tay cùng cả nước thực hiện “mục tiêu kép”.
Ở phía Nam, TP.HCM đang xây dựng kế hoạch mở cửa kinh tế với 3 giai đoạn, trong đó dự kiến sử dụng thẻ xanh Covid làm công cụ kiểm soát lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh và các dịch vụ vui chơi giải trí.
Cùng với địa phương, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ ách tắc trong lưu thông hàng hóa, cắt giảm chi phí… để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó có DN công nghiệp.
Dự báo về triển vọng thị trường, Bộ Công Thương cho biết, những tháng cuối năm, kinh tế toàn cầu vẫn duy trì phục hồi. Hiện nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang tăng trở lại. Các hiệp định thương mại tự do dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác…
Một chuyên gia kinh tế nhận định, đây là những tín hiệu tốt để hoạt động sản xuất của DN Việt Nam, trong đó có DN công nghiệp sôi động trở lại, góp phần tiếp đà tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới.