Tuyến đường sắt trên cao thi công chậm tiến độ, thường xuyên gây ùn tắc giao thông khiến người dân thủ đô vô cùng bức xúc. |
Sự thiếu an toàn dẫn đến những tai nạn thương tâm không còn là điều mới mẻ, thậm chí liên tục xảy ra làm nhiều người (công nhân, người đi đường) thương vong, người dân thủ đô thì vô cùng bức xúc.
Bức xúc của người dân
Cả 2 tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội dài 25,5km, hàng chục ga lớn nhỏ, chạy trên các tuyến đường huyết mạch của thủ đô là Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Hoàng Cầu, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu… - vốn là những tuyến đường đau khổ về tắc nghẽn, tai nạn giao thông. Khi có công trường, hàng vạn hộ dân sinh sống bên những tuyến đường trên cũng như người tham gia giao thông lại khốn khổ hơn trăm bề.
Đầu tiên là những lô cốt, rào chắn khiến những con đường vốn chật hẹp lại càng ngộp thở hơn. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do những rào chắn này gián tiếp gây nên. Gần đây nhất, chiều 23.2.2016, trên đường Cầu Giấy, do bị ngăn đường chỉ để một làn quá hẹp cho các phương tiện lưu thông, hẹp đến nỗi dường như chỉ vừa vặn chiều ngang một chiếc xe buýt, nên một xe buýt đã chèn vào chiếc xe máy lưu thông cùng chiều làm người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong tại chỗ.
Người Hà Nội cũng đã quen với việc nơm nớp di chuyển qua “hầm chui” giàn giáo. Dưới những giàn giáo đang chống đỡ cho cả trăm tấn sắt thép, bêtông để thi công các nhà ga… là những tấm lưới mỏng manh. Ngăn cách công trường ngồn ngộn sắt thép, bêtông với hàng trăm lượt người dân qua lại trên đường là những hàng rào tôn vô cùng tạm bợ.
Phóng viên ghi nhận những bức xúc của người dân: Ông Nguyễn Văn Chính - Phó chủ tịch UBND phường Phú La (Hà Đông) - nơi có công trường tuyến Cát Linh - Hà Đông, tâm sự: “Khó khăn phiền hà là khó kể xiết. Ngày nào phường cũng huy động lực lượng để phân luồng nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng giao thông ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm”. Ông đề xuất, chính quyền Hà Nội phải có sắc lệnh cưỡng chế các nhà thầu ngăn chợ, ngăn đường mà không thực hiện thi công. Ông Nguyễn Văn Dương (64 tuổi) nhà đối diện ga bến xe Hà Đông: “Họ thi công rất ẩu.
Quá nhiều tai nạn xảy ra trên dự án này rồi”. Theo ông Dương, có nhiều hôm bên dưới đường tắc cứng, bên trên công nhân làm việc để lửa hàn bắn tung tóe lên đầu người dân. Đáng lo ngại hơn, một số nhà ga trên tuyến Cát Linh - Hà Đông đến nay đã cơ bản hoàn thành, hàng rào bảo vệ trụ giáo xộc xệch, rách nát, nhưng hệ thống giàn giáo vẫn không được tháo dỡ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ánh - Cán bộ phụ trách địa bàn quản lý xây dựng phường Mộ Lao (Hà Đông): “Trước đây việc thi công có gây lún đường và xe cộ đi lại bị sập cống thì chúng tôi đã phối hợp bên môi trường đô thị để khắc phục. Chúng tôi cũng có đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thi công phải thi công an toàn để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng công an thường xuyên được huy động để phân luồng giao thông”.
Sau hàng loạt vụ tai nạn xảy ra, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (thời điểm tháng 5.2015) đã gay gắt yêu cầu tổng thầu Trung Quốc (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) thay thế Tổng chỉ huy công trường. Ông bức xúc nói, dự án Cát Linh - Hà Đông “không phải là nơi thí điểm cho một số cán bộ, kỹ sư không có đủ năng lực, trình độ và thiếu lương tâm đến làm việc”.
Nỗi ám ảnh bao giờ nguôi?
Chúng tôi tìm gặp người đàn bà góa trong vụ tai nạn xảy ra ngày 6.11.2014, khi máy cẩu làm rơi sắt khiến thượng úy Nguyễn Như Ngọc (33 tuổi), công tác tại Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) tử vong. 3 mẹ con chị Lê Thị Ngọc Hà (SN 1983) - vợ thượng úy Ngọc - dường như chưa quên được nỗi đau quá lớn. “Nhiều khi thấy rất trống trải, tủi thân, thấy con nhìn lên ảnh bố trên ban thờ mà không kìm được nước mắt. Nếu không vì thanh sắt trên trời rơi xuống, vì tai bay vạ gió, giờ đây vợ chồng tôi đâu phải chia lìa, con cái tôi đâu phải khổ sở như vậy” - chị nói trong nước mắt.
Anh Nguyễn Bá Dương (SN 1974, trú Dương Nội, Hà Đông) - lái xe hãng Taxi Quê Lụa thì may mắn hơn khi đã thoát chết trong chân tơ kẽ tóc. Đã hơn 1 năm trôi qua, khi trò chuyện cùng chúng tôi, anh vẫn còn hoảng hốt: “Lúc đó tôi đã nghĩ đến cái chết”. Khoảng 3h30 rạng sáng 28.12.2014, anh Dương điều khiển xe taxi chở 3 hành khách đi về hướng Hà Đông, khi qua “hầm chui” thi công nhà ga bến xe Hà Đông bất ngờ nghe thấy tiếng động lớn, khối bêtông ập xuống đè xe bẹp rúm, cả xe và người vùi trong đống bêtông đổ nát, “cả tôi và khách đi xe la hét hoảng sợ, may mắn sao khối bêtông không quá lớn nên chúng tôi không chết”, anh Dương nói - Vụ việc này, cơ quan chức năng kết luận là do thi công đổ bêtông lệch về một phía, đà giáo lệch theo làm sụp đổ bêtông. Thi công thế có chết dân không cơ chứ!”.
Nên thay giám sát trên công trình
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Anh Thơ - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lao Động ngày 10.3. Sau khi đọc kỳ 1 loạt bài điều tra “Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội): Thiếu an toàn, nhiều sai phạm”, ông Thơ cho biết: Các doanh nghiệp thi công tại công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông không ký hợp đồng với người lao động theo các hình thức giao kết bằng văn bản hoặc bằng lời nói nếu công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng sẽ vi phạm Điều 17, 18 Bộ Luật Lao động.
Cũng theo Điều 18, Bộ Luật Lao động, trong trường hợp công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người. Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.
Về tình trạng vi phạm điều kiện an toàn - vệ sinh lao động tại công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đã xảy ra vụ tai nạn, có cả những vụ tai nạn gây chết người. Điều này các doanh nghiệp đã Vi phạm các Điều 137 (Bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc), Điều 138 (nghĩa vụ của người sử dụng LĐ) của Bộ Luật Lao động, trong đó quy định rõ: Khi xây dựng chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường và trách nhiệm cùa người sử dụng lao động phải bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Ban quản lý dự án Cát Linh - Hà Đông gửi công văn hoả tốc tới Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu rà soát vấn đề chúng tôi nêu:
Ngay sau khi Báo chúng tôi ra số báo ngày 10.3 có bài “Công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông: Thiếu an toàn, nhiều sai phạm”, ngay trong chiều 10.3, Ban quản lý dự án Cát Linh- Hà Đông đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Tổng thầu - Cục đường sắt 6 Trung Quốc, tư vấn giám sát và công ty cổ phần nhà X4 có báo cáo giải trình các vấn đề tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn, sử dụng lao động theo nội dung phản ánh của bài báo.
Theo ông Lê Kim Thành - Tổng GĐ Ban quản lý, tổng thầu và Ban quản lý dư án khẩn trương kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh ngay các tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn và sử dụng lao động của các nhà thầu phụ thi công trên toàn công trường dự án; đưa ra khỏi công trường các trường hợp vi phạm quy định gây mất an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ; đồng thời có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt công tác quản lý chất lượng công trình.
Các báo cáo về những vấn đề này phải gửi về Ban quản lý dự án trước ngày 15.3.2016 để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và trả lời các cơ quan thông tin báo chí và người dân được biết.
Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về hiện tượng lỏng lẻo trong việc tuyển cũng như quản lý lao động tại gói thầu CT5 mà bài báo phản ánh, Giám đốc công ty CP nhà X4 - Vũ Văn Vĩnh cho biết, trong công trường, công ty X4 chia thành các tổ thi công khác nhau chia ra các mũi khác nhau và mỗi tổ thành lập đều có tổ trưởng chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề trong thi công...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về kết quả giải trình của những bên sai phạm công trình đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
Khánh Hòa