675 điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm hiện chiếm 55,5% số điều kiện kinh doanh của ngành công thương. Ảnh: Nhã Chi |
Hành động này có thể tạo ra sự chuyển biến lớn trong cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục ở Việt Nam.
Đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh
Theo Bộ Công Thương, số lượng điều kiện cắt giảm lần này là lớn nhất trong lịch sử ngành công thương. Trước một số ý kiến băn khoăn về con số 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Chúng tôi không cố gắng đạt được con số để gây ấn tượng. Chúng tôi đã cân nhắc, rà soát rất kỹ trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế để phục vụ cho DN một cách tốt nhất nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước”.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Đây là động thái tích cực, “gom” thêm niềm tin của cộng đồng DN về nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành”.
Theo ông Tuấn, số lượng điều kiện đầu tư, kinh doanh được Bộ Công Thương đưa ra cắt giảm, đơn giản thủ tục chiếm tới 55,5% tổng số điều kiện của Ngành cũng là hành động rất “dũng cảm”. “Trong nhiều ngành nghề kinh doanh được đơn giản hóa thủ tục hành chính, có những thủ tục có vẻ gắn với quyền lợi của không ít đơn vị, song vì lợi ích chung, Bộ này vẫn quyết tâm cắt bỏ”, ông Tuấn nói.
Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là một tin vô cùng tốt và tin rằng các DN cũng rất hào hứng.
Không chỉ có Bộ Công Thương, trong thời gian gần đây, nhiều bộ khác như Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cũng đang bắt tay vào rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong chiều ngày 21/9, Bộ Giao thông vận tải và VCCI đã có cuộc làm việc xung quanh đề xuất của VCCI về cắt giảm giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tại cuộc họp này, 27 đề xuất cắt giảm cụ thể của VCCI đã được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện một DN bày tỏ, việc Bộ Công Thương đưa ra phương án dự kiến sẽ cắt giảm số lượng lớn “giấy phép con” là điều đáng mừng. DN được cởi trói, được khuyến khích, con đường phát triển kinh doanh ngày càng thông thoáng, thênh thang hơn.
Chờ thực thi
Việc phát đi thông điệp cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành cho thấy quyết tâm tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Tuy nhiên, để thực thi được đòi hỏi sự quyết liệt của nhiều cơ quan quản lý.
Theo ông Tuấn, trên đây mới chỉ là đề xuất chính sách, bởi điều kiện đầu tư kinh doanh hiện đang nằm ở các nghị định của Chính phủ, muốn thay đổi phải cần thêm thời gian. “Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự chuyển động của các bộ ngành khác. Những ngành nghề kinh doanh Bộ Công Thương quản lý cũng quan trọng mà Bộ vẫn cải cách được thì không có lý gì các bộ khác không làm được… Bộ nào cũng tiến hành cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có của mình, chắc chắc môi trường kinh doanh cho DN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Tuấn tin tưởng.
Để việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý thực sự mang lại hiệu quả đối với DN, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh đề xuất thì cũng cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh mới nhằm tạo thuận lợi cho DN.
Liên quan đến vấn đề này, tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về kiểm soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ trong tháng 12/2017. Thông tin về công tác chuẩn bị xây dựng Nghị định, một nguồn tin cho hay, quá trình vào cuộc của đơn vị liên quan rất tích cực, dự kiến sẽ đáp ứng được mốc thời gian Chính phủ yêu cầu. Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ gần 2.000 điều kiện đầu tư, kinh doanh đang gây cản trở cho quá trình phát triển của DN.