Cú tung đòn vào hư không của Trump khi dội tên lửa xuống Syria

Cuộc tấn công tên lửa vào Syria của Mỹ không đem lại lợi thế chiến thuật và chiến lược nào, trong khi có thể đẩy Washington vào vũng lầy xung đột.

Khoảnh khắc tên lửa hành trình Mỹ trút xuống căn cứ quân sự Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước bất ngờ ra lệnh phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk tấn công một căn cứ quân sự Syria để "trả đũa hành động sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường", chỉ vài giờ sau khi ông Trump và các trợ lý xem những bức ảnh chụp các nạn nhân trúng chất độc hóa học.

Cuộc tấn công diễn ra rất chóng vánh, nhưng chính quyền Trump trước khi ra lệnh phóng tên lửa lại không trả lời được những câu hỏi quan trọng về hành động của mình. Quyết định không kích được đưa ra nhanh đến mức có vẻ như Nhà Trắng chưa nắm hết được hành động quân sự của mình có hiệu quả đến mức nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối ngoại, theo USA Today.

Daniel DePtris, chuyên gia phân tích tại Defense Priorities, cho rằng cảm xúc "cần phải làm gì đó thật nhanh" là động lực chủ yếu để Trump và các trợ lý đưa ra quyết định tấn công trả đũa Syria, thay vì việc tham vấn với Quốc hội hay cân nhắc một cách cẩn trọng thiệt hơn của việc sử dụng vũ lực.

Vài ngày sau cuộc không kích, các quan chức cấp cao trong chính quyền của Trump vẫn còn mâu thuẫn với nhau khi nhắc đến ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong chính sách với Syria. Trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định rằng mục tiêu trước hết của Mỹ ở Syria là "đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại tuyên bố thay đổi chế độ ở Damascus là điều "ưu tiên và không thể tránh khỏi" của Washington.

Ông Tillerson cũng nói rằng mục đích của Mỹ khi dội tên lửa tấn công sân bay quân sự Syria là nhằm phát đi thông điệp tới "bất cứ quốc gia nào hành động ngoài thông lệ quốc tế". Thông điệp này còn được cho là nhắm tới Triều Tiên, nước đang gây lo ngại cho Mỹ với chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, Moustafa Bayoumi, giáo sư tại Đại học Brooklyn, New York, cho rằng cách giải thích này là "vô nghĩa". Việc chiến đấu cơ của Syria vẫn tiếp tục xuất kích từ sân bay vừa bị oanh tạc là một trong những minh chứng cho thấy Mỹ đã tung một đòn đánh vào hư vô, khi không thể răn đe được Syria bằng hành động sử dụng vũ lực của mình.

Những tuyên bố tiền hậu bất nhất của các quan chức Nhà Trắng về chính sách đối với Syria càng khiến dư luận ít tin tưởng rằng chính quyền của Trump có một chiến lược dài hơi và nhất quán để giải quyết xung đột tại miền đất này, theo Bayoumi. Hồi đầu tháng, chính bà Haley còn tuyên bố rằng Mỹ không còn tập trung vào việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hậu quả

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:AP

Chuyên gia DePtris cho rằng trong bối cảnh đó, việc Mỹ vội vàng sử dụng biện pháp quân sự tấn công Syria bất chấp những lời cảnh báo của Nga sẽ để lại những hậu quả rất lớn mà Trump dường như chưa dự liệu được.

Ngoài việc phát đi một thông điệp mang tính biểu tượng rằng Trump sẵn sàng tung ra sức mạnh khổng lồ của Mỹ, hay dễ dàng đưa ra những phản ứng đầy cảm tính trước các sự kiện quốc tế, cuộc tấn công bằng tên lửa của Lầu Năm Góc không đem lại bất cứ kết quả tích cực nào cả về chiến thuật lẫn chiến lược.

Về chiến thuật, 59 tên lửa hành trình Tomahawk, mỗi quả trị giá khoảng 1,5 triệu USD, chỉ có thể khiến sân bay quân sự Syria ngừng hoạt động trong vài giờ trước khi các chiến đấu cơ nước này tiếp tục dội bom vào mục tiêu quân nổi dậy. Rõ ràng thông điệp trị giá gần 100 triệu USD này của Mỹ là một khoản đầu tư không có lời, nhất là với một doanh nhân trở thành tổng thống như ông Trump.

Về chiến lược, dù tên lửa Tomahawk của Mỹ phá hỏng một số máy bay cũ của Syria, cuộc chiến giữa quân đội chính phủ được Nga và Iran hậu thuẫn với phe nổi dậy bị ảnh hưởng nặng nề bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn sẽ tiếp diễn như thể cuộc tấn công bằng tên lửa chưa từng xảy ra.

Sau cuộc không kích, thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham hối thúc Lầu Năm Góc điều thêm khoảng 6.000 lính Mỹ tới Syria với danh nghĩa chiến đấu chống lại IS. Ông Graham cho rằng sự hiện diện của đông đảo lính Mỹ sẽ "thu hút thêm các chiến binh trong khu vực tham chiến tiêu diệt IS".

Nhưng DePtris cho rằng không cuộc tấn công bằng tên lửa hay hành động can thiệp quân sự nào của Mỹ có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, bởi đơn giản là các vấn đề chính trị không thể được giải quyết bằng các biện pháp quân sự. Sự hiện diện ngày càng lớn của quân đội Mỹ ở Syria chỉ có thể kéo nước này sa vào một vũng bùn không lối thoát mới ở Trung Đông.

Ngoài ra, việc đối phó với ông Assad bằng biện pháp ngắn hạn sẽ làm phức tạp hóa mong muốn của Trump nhằm cải thiện quan hệ với Nga. Trên thực tế, Nga đã đe dọa sẽ cắt đường dây nóng tránh xung đột song phương trên bầu trời Syria, một động thái có thể làm suy giảm đáng kể quan hệ hai nước, làm gia tăng nguy cơ mà phi công Mỹ phải đối mặt khi hoạt động trên không phận Syria.

Giáo sư Bayoumi thì cho rằng khi chứng kiến cuộc tấn công bằng tên lửa đầy nóng vội của Mỹ, các đối thủ chiến lược của họ sẽ cho rằng họ có thể dễ dàng thao túng chính quyền của ông Trump, đẩy Mỹ lún sâu vào những hố lầy quân sự lớn hơn.

Trước lúc ra lệnh khai hỏa tên lửa, Nhà Trắng dường như chưa tính đến phương án trả lời cho những câu hỏi như dân quân Hezbollah và lực lượng vũ trang Iran sẽ phản ứng như thế nào khi chứng kiến đồng minh của mình bị tấn công, Mỹ sẽ thách thức Nga về quân sự ra sao nếu cần thiết, hay họ có sẵn sàng triển khai bộ binh để theo đuổi đến cùng mục đích của mình hay không.

Theo Bayoumi, Trump lẽ ra phải lắng nghe nhiều hơn về những nguy cơ khi can thiệp sâu hơn bằng quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria. Việc tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến có sự góp mặt của cả phe nổi dậy lẫn các nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ không phục vụ cho lợi ích an ninh sống còn của Mỹ.

Thế nhưng cuộc tấn công bằng tên lửa cho thấy chính quyền Trump hiện nay dường như chỉ có một giải pháp duy nhất với cuộc chiến, đó là gây thêm chiến tranh. Nó có thể khiến các chính trị gia ở Washington cảm thấy hài lòng, nhưng cũng có thể đẩy Mỹ vào một cuộc chiến mà họ không biết làm cách nào để thoát ra.

"Chúng ta phải nhận ra rằng giải pháp cho cuộc nội chiến Syria không thể tìm thấy bằng biện pháp quân sự, mà phải thông qua những cuộc đàm phán thận trọng giữa tất cả các bên có liên quan", Bayoumi nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục