Thiết kế sân bay Long Thành |
Theo đó, các tiêu chí khai thác sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất được đề xuất cụ thể là: Duy trì khai thác quốc tế, quốc nội tại cả 2 cảng; Đảm bảo cơ hội khai thác cân bằng, không phân biệt đối xử; phù hợp với quy mô đầu tư theo phương án tiền khả thi đã được Quốc hội phê chuẩn.
Đối với sân bay Long Thành, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cho khai thác quốc tế toàn bộ đường bay từ 1.000 km trở lên và các đường bay khác theo lựa chọn của hãng và các đường bay mới của tất cả các hãng khi Tân Sơn Nhất không còn năng lực tiếp nhận. Các chuyến bay không thường lệ cũng sẽ được khai thác tại đây.
Đối với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ chỉ khai thác các đường bay dưới 1.000 km bằng tàu bay mã C trở xuống.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tiêu chí phân chia sẽ được xem xét lại sau 5 năm đầu khai thác thực tế tại cặp sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất.
Phía Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng tán thành với đề xuất khai thác nói trên của Cục Hàng không. ACV cho rằng, phân chia khai thác giữa 2 cảng hàng không như vậy sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trong việc thực hiện quyền kinh doanh của mình, tôn trọng chính sách kinh doanh của hãng trong khi vẫn đảm bảo sự quản lý, điều tiết của nhà nước.
Trên cơ sở nguyên tắc phân chia của Cục Hàng không, ACV đang chỉ đạo đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tiếp thu. Tư vấn sẽ làm việc với từng hãng hàng không để dự báo từng đường bay một, lượng khách trên từng đường bay, từ đó lên dự báo về sản lượng khai thác của hai sân bay, sau đó mới có thể đưa ra phương án tài chính.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Diện tích đất của dự án là 5.000 ha. Quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đây sẽ là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.