Củng cố nội lực để ứng phó với thách thức gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những mục tiêu năm 2025 là tăng trưởng GDP nước ta đạt 8% trở lên, hướng đến tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh môi trường quốc tế nhiều bất định, quan trọng nhất là tăng trưởng cao phải đi đôi với ổn định vĩ mô, củng cố nội lực từ khu vực kinh tế tư nhân và cải cách thể chế để phát triển bền vững.
Hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam có thể chịu tác động bất lợi bởi những biến động khó lường từ chính sách thương mại của các nước lớn. Ảnh: Tuấn Anh
Hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam có thể chịu tác động bất lợi bởi những biến động khó lường từ chính sách thương mại của các nước lớn. Ảnh: Tuấn Anh

Nhiều thách thức với mục tiêu tăng trưởng cao

Tại Hội thảo về Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 10/4/2025, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) nêu quan điểm, trong bối cảnh chính sách thương mại của các nước lớn khó đoán định, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều rủi ro khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao.

Theo ông Phạm Thế Anh, các động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 hiện đã bị ảnh hưởng. Thứ nhất là xuất khẩu, trong vòng 90 ngày nữa dù đàm phán thương lượng thế nào thì thế giới cũng sẽ đối mặt với thuế quan cao hơn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Dòng vốn FDI cũng sẽ chịu tác động bất lợi. Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam tránh được căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc nên được nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn, thuận lợi, nhưng bối cảnh mới có thể sẽ không còn lợi thế đó. Thứ hai, động lực từ tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do sụt giảm thu nhập, giá bất động sản cao khiến người dân phải tiết kiệm nếu muốn mua nhà ở. Đầu tư tư nhân cũng còn khó khăn, nhất là trước nhiều bất ổn khó đoán định, khó có thể là động lực cho tăng trưởng cao trong năm nay.

Tăng trưởng tín dụng nên ở mức khoảng 16%, bảo đảm dòng vốn chảy vào sản xuất và hạn chế tín dụng rủi ro; tập trung vào việc củng cố hệ thống ngân hàng, tăng vốn điều lệ và kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Về chính sách tài khóa, cần thực hiện theo hướng nghịch chu kỳ, với trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư công và giảm thuế có mục tiêu.

Một số ý kiến khác từ NEU cũng cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là một thách thức rất lớn, bởi nhiều khó khăn và rào cản cả từ quốc tế và trong nước. Trong đó, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ có thể làm gia tăng các cuộc điều tra thương mại, đặc biệt với những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Các cuộc điều tra thương mại và các biện pháp siết chặt bảo hộ có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.

Ở trong nước, từ nhiều năm qua, các động lực tăng trưởng truyền thống đến từ tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư có xu hướng giảm hiệu quả, phản ánh bởi mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn theo chiều rộng, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện. Trong khi đó, những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo đang ở giai đoạn định hình, chưa có thay đổi đột phá và cần thời gian để tạo tác động mạnh mẽ đến tổng cung của nền kinh tế. Dư địa một số chính sách bị thu hẹp, trong đó có chính sách tiền tệ…

Việc đẩy mạnh đầu tư công và giảm thuế có mục tiêu sẽ góp phần kích thích tổng cầu, tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Việc đẩy mạnh đầu tư công và giảm thuế có mục tiêu sẽ góp phần kích thích tổng cầu, tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Đẩy mạnh đầu tư công, đưa khu vực tư nhân phát triển xứng tầm

Trong báo cáo gửi đến Hội thảo, PGS. TS. Bùi Đức Thọ, Chủ tịch hội đồng Đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị trong ngắn hạn, việc tăng tổng cầu là cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng, nhưng cần ưu tiên chính sách tài khóa thay vì chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô và an toàn tài chính. Việc lạm dụng chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay có thể làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế. Do đó, bên cạnh các biện pháp kích thích tổng cầu, Chính phủ cần củng cố các chính sách bảo đảm tính ổn định tài chính và cải cách thể chế để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng tín dụng nên ở mức khoảng 16%, bảo đảm dòng vốn chảy vào sản xuất và hạn chế tín dụng rủi ro; tập trung vào việc củng cố hệ thống ngân hàng, tăng vốn điều lệ và kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Về chính sách tài khóa, cần thực hiện theo hướng nghịch chu kỳ, với trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư công và giảm thuế có mục tiêu. Công tác lập và chấp hành dự toán ngân sách cần được cải thiện để nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Bên cạnh đó, cần tối ưu cơ cấu chi tiêu, bảo cân đảm đối giữa đầu tư mới và duy tu hạ tầng. Chính sách phát triển động lực tăng trưởng mới đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế…

Ông Phạm Thế Anh cho rằng, đầu tư công là một động lực, nhưng để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, nếu dễ dãi trong giải ngân đầu tư công và lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích tổng cầu trong nước sẽ đối diện nhiều rủi ro, từ tỷ giá, lạm phát, nợ xấu, rủi ro thị trường tài sản. Khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể sẽ giảm hấp dẫn, nguồn lực của khu vực tư nhân sẽ khó hướng vào khu vực sản xuất - cốt lõi của nền kinh tế để đạt tăng trưởng lâu dài. Do đó, chuyên gia của NEU nhấn mạnh, theo đuổi tăng trưởng cao nhưng điều quan trọng nhất cần phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và cho rằng, cần định vị đúng, có chính sách để khu vực này có điều kiện phát triển đúng với vai trò. Ông Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm, cần phát triển kinh tế tư nhân trong nước và coi đó là nội lực cơ bản nhất của kinh tế Việt Nam.

Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược khuyến nghị, cần tập trung cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho cả phía cung và phía cầu; thay đổi phương thức quản lý để tạo ra bộ máy nhà nước kiến tạo phát triển. Đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền triệt để để địa phương được quyết, được làm, để thể chế thực sự đi vào cuộc sống và triển khai mạnh mẽ ở cấp cơ sở.

Tin cùng chuyên mục