Luật Quy hoạch đổi mới phương pháp lập quy hoạch, xây dựng quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp đa ngành. Ảnh:Lê Gia Khoa |
Thế nhưng, hãy nhìn những chông gai, những thách thức, những phản ứng trái chiều như là một điều tất yếu để có được sự đổi mới, ứng xử bằng sự kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi, bằng sự theo đuổi đến cùng mục tiêu, bằng trái tim nhiệt huyết và khối óc sáng suốt. Đó là bài học từ hành trình nhiều năm bền bỉ bảo vệ một luật đầy tính cách mạng, với nhiều nội dung đột phá, đổi mới như Luật Quy hoạch.
Một cuộc cách mạng trong tư duy về phát triển
Hai tháng sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, chúng tôi có dịp gặp lại nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông – một trong những người tham gia làm Luật Quy hoạch.
“Có lẽ không quá khi nhận định Luật Quy hoạch là một cuộc cách mạng trong tư duy về phát triển”, ông Đông mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Sự trăn trở chung của những người làm công tác quy hoạch đó là sau hơn 20 năm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước đã tiến một bước dài trong nhiều lĩnh vực và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, riêng về lĩnh vực quy hoạch gần như không thay đổi, vẫn giữ tư duy của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, nhiều bản quy hoạch phi thị trường, cản trở phát triển.
Trong điều kiện nền kinh tế đang cần được cởi trói hết sức để bứt phá, để chạy thật nhanh, cấp thiết phải có những thay đổi vì quy hoạch chính là bộ khung cho phát triển. Theo ông Đông, Luật Quy hoạch có nhiều đổi mới, trong đó có thể kể đến 3 đột phá mang tính cách mạng.
Đột phá đầu tiên là loại bỏ quy hoạch sản phẩm, thứ quy hoạch không gắn với việc phân bổ và sử dụng lãnh thổ, như quy hoạch cá tra, cá rô phi, quy hoạch trồng hồ tiêu, trồng cà phê, quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo,... Những bản quy hoạch sản phẩm như vậy nhiều trường hợp trở thành rào cản cho hoạt động sản xuất bình thường trong nền kinh tế thị trường, không ít trường hợp nhân danh quản lý nhà nước để tạo đặc quyền ban phát, xin - cho, không có tác dụng gì cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung mang tính cách mạng thứ hai và cũng là điểm cách mạng nhất của Luật Quy hoạch, theo ông Đông, là đổi mới phương pháp lập quy hoạch, xây dựng quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp đa ngành, đảm bảo tính nhất quán, khắc phục chia cắt, cục bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và các vùng miền trong cả nước, tránh xung đột lợi ích và mâu thuẫn, chồng chéo. Thực tế, trên cùng một mặt bằng diện tích lãnh thổ còn có các bản quy hoạch các ngành, các lĩnh vực khác nhau được lập nên mà thiếu sự phối hợp giữa các ngành nghề, nên khi ra thực tế các bản quy hoạch giữa các ngành nghề chồng chéo, mâu thuẫn, dẫn đến hệ lụy là phải chạy quy hoạch, làm một việc nhưng phải vất vả đi rất nhiều cơ quan để xin điều chỉnh quy hoạch. Ai mạnh thì chạy được, ai không biết đường thì như lạc vào ma trận quy hoạch, dẫn đến đình trệ dự án, thậm chí nản mà buông bỏ. Điều này làm đẩy lùi việc thực hiện triển khai dự án, lỡ mất cơ hội sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ hội phát triển của đất nước. Luật Quy hoạch yêu cầu các nhà quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác nhau như giao thông, thủy lợi, đô thị, quản lý nước, môi trường, du lịch... phải ngồi lại với nhau, xem cái gì đặt ở đâu là hợp lý nhất. Gỡ bỏ sự không thống nhất này, theo ông Đông, là một cách thức khiến cho doanh nghiệp được thuận lợi trong làm ăn vì ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng không thoát khỏi cảnh một cổ đôi ba tròng quy hoạch, chưa nói đến doanh nghiệp tư nhân.
Tính đột phá thứ ba là yêu cầu phải công khai hóa các bản quy hoạch sau khi được lập, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền được tiếp cận thông tin quy hoạch.
Con đường đổi mới đầy chông gai
Nhắc đến Luật Quy hoạch, khó có thể quên hành trình 7 năm đầy vất vả để xây dựng, hoàn thiện, bảo vệ, thuyết phục, đấu tranh của cơ quan soạn thảo, rất nhiều giai đoạn cam go, đến phút chót vẫn còn quan điểm trái chiều, phản đối.
Ông Đông dường như không muốn kể lại câu chuyện này vì đó là công việc phải làm đối với cơ quan soạn thảo. Chỉ khi phóng viên đặt vấn đề rằng hành trình vượt qua thách thức để bảo vệ thành công những tư tưởng đổi mới của Luật Quy hoạch sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu, tiếp sức cho những người đang thai nghén hay đang bảo vệ cho cái mới, cái sáng tạo đi đến đích, chúng tôi mới nhận được câu trả lời.
“Quá trình làm chúng tôi gặp phải sự phản ứng từ 2 nhóm”, ông Đông nhắc lại. Nhóm thứ nhất là những người chưa nhận thức đầy đủ về lĩnh vực quy hoạch, có thể do chuyên môn ngành nghề khác, chưa có nhiều thời gian nghiên cứu, vì không phải ai cũng ngày ngày đêm đêm suy nghĩ đào sâu về một vấn đề như những người trong nghề quy hoạch. Đây là nhóm phản ứng lành mạnh, trong mọi vấn đề đổi mới, mọi luật đều gặp phải. Cách giải quyết là phải kiên trì thuyết phục, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, thông qua hội thảo, hội nghị chuyên đề để phổ biến, giới thiệu, nói cái hay cái tốt, có lý có tình thì chắc chắn sẽ đạt được đồng thuận. Thực tế, Luật Quy hoạch đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận rất cao từ dư luận, chuyên gia, đại biểu Quốc hội…
Nhóm phản ứng thứ hai, khó khăn hơn đối với Ban soạn thảo, là nhóm muốn duy trì những lợi ích cục bộ nào đó hoặc ngại thay đổi, muốn duy trì cách làm cũ. “Chúng tôi đã đối thoại dân chủ, tôn trọng lắng nghe lẫn nhau, giải thích, thuyết phục, kiên trì một cách không mệt mỏi, không ngại va chạm, để cuối cùng có thể thống nhất vì lợi ích đại cục, vì sự hưng thịnh và phát triển bền vững của đất nước. Tập thể lãnh đạo Bộ KH&ĐT và các thành viên Ban soạn thảo đều xác định điều gì thấy đúng, thấy tốt cho dân thì phải làm ngay, không được chần chừ như lời răn dạy của Bác Hồ”, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ.
Nhìn lại hành trình dài ấy, với ông Đông, tất cả thách thức, phản ứng trái chiều là hiển nhiên, là hết sức bình thường để có được sự đổi mới. Không chỉ Luật Quy hoạch mà bất cứ sự đổi mới nào, nhất là những đổi mới mang tính đột phá, cách mạng và động chạm đến lợi ích của nhiều đơn vị cũng gian truân, cũng đầy thách thức, chông gai.
Tuy nhiên, Luật Quy hoạch hay bất cứ tư tưởng đổi mới nào cũng sẽ chỉ là lý thuyết, chỉ nằm trên giấy nếu không được áp dụng vào thực tiễn. Trong thực tế, không chỉ luật này mà cả các luật khác đều tiềm ẩn rủi ro là khoảng cách giữa pháp luật và thực thi pháp luật, vì thế, bước tiếp theo sau khi Luật đã được thông qua là phải tích cực trong thực hiện, trước mắt phải ra nghị định hướng dẫn Luật để có hiệu lực đồng thời với Luật khi đi vào thực tế, quá trình triển khai phải có sự giám sát thường xuyên từ cơ quan chức năng và dư luận, truyền thông.
“Khó như Luật Quy hoạch cuối cùng cũng đến được thành công, cho nên hãy cứ thật lạc quan, tin tưởng, dốc sức, kiên trì trên con đường xây dựng, bảo vệ cho sự đổi mới, sáng tạo”, ông Đông gửi gắm.