Cơ hội cho các ngành nông - thủy sản của Việt Nam đang rất lớn. Ảnh: Internet |
Theo ông Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight, Hội thảo sẽ tập trung vào 4 chủ đề chính: Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến các doanh nghiệp tại Việt Nam; những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp cần quan tâm trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; và cuối cùng, giải pháp vốn dành cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Tại buổi họp báo giới thiệu về hội thảo nói trên, trả lời phóng viên về những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến bất động sản công nghiệp, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam cho rằng, khi đồng nhân dân tệ suy yếu, thì kênh đầu tư của người dân Trung Quốc dần chuyển sang các ngoại tệ khác và vàng - kênh đầu tư an toàn đối với người châu Á, bên cạnh đó là bất động sản.
Do đó, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang thì cơ hội cho Việt Nam có thể tạm gọi là xuất khẩu bất động sản tại chỗ. Nhưng, đối với bất động sản công nghiệp, khi khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào thì cần phải có điều kiện và sự chọn lọc, không thể đem vào những nhà máy ô nhiễm và có tác động xấu đến môi trường.
Trước câu hỏi, đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt khi hàng Trung Quốc khó xuất khẩu sang Mỹ sẽ phá giá để xuất khẩu qua các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, hoặc có thể núp bóng hàng Việt Nam để xuất khẩu, các diễn giả cho hay, trong thách thức luôn có cơ hội, khi các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị áp mức thuế cao tại Mỹ, mà hàng Việt Nam có thế mạnh, đó sẽ là cơ hội để gia tăng sản lượng xuất khẩu của quốc gia.
Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ABBank cho rằng, vướng mắc mấu chốt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đó là nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa, thay đổi phát triển công nghệ, thúc đẩy hiện đại hóa.
Theo các chuyên gia, điều cần thiết vào lúc này là phải có sự định hướng và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội xuất khẩu vào Mỹ, đồng thời quản lý chặt chẽ hàng Trung Quốc tạm nhập sang Việt Nam để xuất qua Mỹ. Ngoài ra, để chuẩn bị cho những biến động trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu, cần nắm rõ các điều khoản thanh toán và những thông tin pháp lý trong quá trình trao đổi, mua bán.
Các chuyên gia, diễn giả cho rằng, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cần được nắm bắt và tận dụng nhanh vì Mỹ là thị trường đích của rất nhiều quốc gia sản xuất, xuất khẩu. Cuộc chiến này có thể mang lại rất nhiều cơ hội cho các ngành hàng của Việt Nam, nổi trội là các ngành nông - thủy sản có tiềm lực phát triển mạnh xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Bùi Quang Tín nhận định, đây là cuộc chiến mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các mặt hàng của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn khi tiến vào Mỹ thay Trung Quốc. Còn ông Sử Ngọc Khương thì cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tuy là cơ hội nhưng Mỹ là thị trường khó tính, cần phải cần có sự định hướng và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.