Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cần cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư máy móc, nâng cao năng suất lao động… nhằm tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên |
Các cảnh báo đưa ra gần đây cho thấy, cuộc chiến này sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), trong đó có các DN Việt Nam.
Khó tránh khỏi tác động
Theo các chuyên gia kinh tế, VLXD Trung Quốc tràn vào Việt Nam ở bất kỳ phân khúc nào, từ hàng cao cấp đến bình dân, đều đưa ra mức giá cạnh tranh so với thị trường. Việc cạnh tranh với vật liệu Trung Quốc không hề dễ dàng. Nhắc lại câu chuyện cách đây 3 - 4 năm Bộ Y tế đưa ra những cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới đối với VLXD sử dụng amiang có thể gây ung thư, ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Hương Hoàng kể: “Thông tin này đã khiến DN sản xuất tấm lợp fibro xi măng có sử dụng amiang bị bóp nghẹt, điêu đứng. Ngay lập tức, sản phẩm tôn kẽm, tôn mạ của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam…”. Do đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh tới Việt Nam, VLXD giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam là khó tránh khỏi. “Trong lúc “sức khỏe” các DN sản xuất vật liệu trong nước, nhất là DN sản xuất tấm lợp, đang yếu, hàng ngoại tràn vào có thể càng làm cho DN kiệt quệ”, ông Hiển lo lắng.
Cùng suy nghĩ này, ông Lê Văn Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư, Xây lắp và VLXD Đông Anh nhìn nhận: “Cuộc chiến sẽ tác động rất lớn tới DN sản xuất vật liệu trong nước. Nếu các DN không nỗ lực cải tiến sản phẩm, đầu tư công nghệ thì khó tránh khỏi đóng cửa”.
Một số ý kiến cũng lo ngại, lượng gạch Trung Quốc được tiêu thụ tại thị trường trong nước hiện tương đối lớn, giá trị nhập khẩu lên tới cả trăm triệu USD mỗi năm, chưa kể việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.
Với ngành thép, các nghiên cứu chỉ ra, Trung Quốc là đối thủ đáng lo ngại nhất bởi họ là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có vị trí giáp ranh với Việt Nam và hiện có khoảng 36% lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc. Điều lo ngại nhất trong cuộc chiến này là thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, “đội lốt” gắn nhãn Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hàng hóa Việt Nam.
Trong khi DN sản xuất sốt ruột với diễn biến của cuộc chiến, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam cho rằng, hiện tại, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa nổ ra, ngành VLXD chưa có tác động rõ ràng. Sản phẩm VLXD của chúng ta không trùng hợp với những sản phẩm hàng hóa nằm trong danh mục sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. “Chúng ta vẫn xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc… Còn các sản phẩm kính, gạch ốp lát hay sứ vệ sinh Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường chứ không riêng thị trường Trung Quốc hay Mỹ”, ông Nga đánh giá và cho rằng nguy cơ cuộc chiến tác động tới ngành VLXD trong nước là không lớn.
Nâng cao sức cạnh tranh
Nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, cuộc chiến này có thể sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam còn mạnh hơn cả với kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các chính sách của Việt Nam đưa ra gần đây cho thấy, chúng ta đang có những bước đi đúng đắn ứng phó với những tác động khó lường của cuộc chiến thương mại này. “Dù vậy, các DN sản xuất trong nước cũng phải chuẩn bị cho mình sức cạnh tranh tốt với hàng hóa chất lượng cao, khả năng quản trị DN tốt”, ông Khôi gợi ý.
Về phía DN, trước những dự báo tác động của cuộc chiến với ngành sản xuất VLXD Việt Nam, ông Tống Văn Nga cho rằng, dù 10 năm nay, ngành sản xuất vật liệu trong nước đã có bước phát triển nhảy vọt, chất lượng hàng hóa hơn hẳn nhiều sản phẩm Trung Quốc xuất sang, nhưng các DN không thể bằng lòng. Các DN cần phải cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư máy móc, nâng cao năng suất lao động… nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Trong khi đó, ông Hiển nêu quan điểm: “Các chính sách kinh tế đưa ra phải nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh”.
Liên quan đến ổn định và phát triển thị trường cho các DN xuất khẩu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết Bộ sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu, từ đó định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.