Cuộc đình công của các lái xe tải Brazil gây thiệt hại kinh tế nặng nề

Tối 27/5, Tổng thống Brazil Michel Temer thông báo sẽ giảm giá dầu diesel, trong bối cảnh cuộc biểu tình của giới lái xe tải Brazil trên toàn quốc đòi giảm giá nhiên liệu đã bước sang ngày thứ 7, đe dọa đẩy quốc gia Nam Mỹ vào tình trạng khan hiếm thực phẩm và nhiên liệu trầm trọng.
Các tài xế xe tải tham gia đình công yêu cầu giảm giá nhiên liệu tại Sao Paulo, Brazil ngày 24/5. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Các tài xế xe tải tham gia đình công yêu cầu giảm giá nhiên liệu tại Sao Paulo, Brazil ngày 24/5. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Temer cho biết giá dầu diesel mới sẽ có hiệu lực trong 60 ngày. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ chấp thuận 4 đòi hỏi khác của giới lái xe tải nhằm giải quyết vấn đề và hạn chế thiệt hại hơn nữa, bởi cuộc đình công kéo dài đã làm tê liệt nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này, khiến hầu hết cơ sở hạ tầng kinh tế của Brazil đều bị ảnh hưởng.

Để phản đối giá nhiên liệu tăng, giới lái xe tải tại ở Brazil đã bắt đầu cuộc đình công từ ngày 21/5, phong tỏa các tuyến đường chính ở 26 trong số 27 bang, ngăn cản hoạt động vận chuyển hàng hóa trên cả nước. Cuộc đình công đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt hoặc hết nhiên liệu, hàng hóa và thực phẩm cũng như các nguồn cung cơ bản khác, đẩy giá lương thực tăng mạnh tại nhiều thành phố trên cả nước. 

Hàng hóa "bốc hơi" khỏi các kệ hàng siêu thị, các kho thuốc trở nên trống rỗng. Các trạm xăng dầu hầu như không có nhiên liệu trong khi thực phẩm tươi tại các cửa hàng bị đánh cắp. Ngành xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề với 40% hoạt động của ngành này bị gián đoạn. Ngành chăn nuôi cũng chịu tác động không nhỏ khi hơn 50 triệu gia cầm bị chết. Theo tính toán của nhiều cơ quan thống kê Brazil, thiệt hại hiện đã lên tới hơn 10,2 tỷ reais (khoảng 2,8 tỷ USD).

Trước đó, tối 24/5, chính phủ và các tổ chức công đoàn vận tải đạt được một thỏa thuận, theo đó, giới lái xe tải sẽ ngừng cuộc đình công trong vòng ít nhất 15 ngày trong khi chính phủ sẽ giảm 10% giá nhiên liệu trong 30 ngày, đồng thời cam kết bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng với thỏa thuận này, chính phủ chỉ đưa ra giải pháp tạm thời và chưa thấu đáo cho bài toán giá nhiên liệu tăng cao. Theo thông tin từ cảnh sát giao thông, tính đến tối 27/5, gần 600 con đường của Brazil vẫn bị phong tỏa.

Hoạt động đình công của giới lái xe làm gia tăng áp lực đối với chính phủ của Tổng thống Michel Temer trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới và đe dọa chính sách mới được đề xuất hồi cuối năm 2016, qua đó cho phép Công ty dầu khí nhà nước Petrobas tự định giá các sản phẩm xăng dầu./.

Tin cùng chuyên mục