Cuộc khủng hoảng của các chaebol Hàn Quốc

Hàng loạt tập đoàn gia đình lớn của nước này đang gặp khó, và những cái tên được nhắc đến nhiều nhất gần đây là Samsung, Lotte, Hanjin Shipping.
Lotte là một trong những công ty nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Ảnh: AP
Lotte là một trong những công ty nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Ảnh: AP

Samsung vừa phải thu hồi Galaxy Note 7 - phablet đình đám được tung ra nhằm đánh bại Apple. Điện thoại này được đánh giá có nhiều tính năng khá tốt, nhưng pin lại dễ nóng và gây cháy.

Hanjin Shipping thì sắp phá sản và đang phải nhờ tòa án bảo vệ khỏi các chủ nợ. Tàu của họ liên tục bị các cảng từ chối tiếp nhận vì lo sẽ không được thanh toán. Còn tháng trước, Phó chủ tịch Lotte đã tự tử khi tập đoàn này bị điều tra tham nhũng và trốn thuế.

Vì thế, các cuộc tranh luận vốn đã tồn tại từ lâu lại bắt đầu nhen lên, về việc liệu cấu trúc các chaebol này có còn phù hợp trong tình hình hiện nay. 3 trường hợp nêu trên không giống nhau. Với Samsung, việc điện thoại nổ pin dường như chẳng liên quan gì đến cấu trúc công ty. Mà nhìn chung, quá trình ra mắt sản phẩm không phải lúc nào cũng có thể suôn sẻ.

Tuy nhiên, BBC cho rằng những vấn đề của 2 chaebol còn lại có thể liên quan đến cách họ điều hành công ty. Lotte có hơn 60 công ty con, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ trung tâm thương mại đến xây dựng, hóa chất và tài chính.

Gia đình điều hành Lotte còn đang có cuộc chiến tranh giành quyền lực. Hai người con trai của nhà sáng lập đã đấu đá nhiều năm nay, thậm chí đưa nhau ra tòa. Tháng trước, Phó chủ tịch Lotte bị phát hiện đã chết chỉ vài giờ trước khi đến lịch thẩm vấn về scandal tham nhũng trong tập đoàn. Vì thế, câu chuyện của Lotte là minh chứng cho việc cấu trúc chaebol thực sự có vấn đề.

Hanjin Shipping (thuộc Hanjin Group) thì lại là nạn nhân của thương mại toàn cầu đi xuống. Dĩ nhiên, giao thương chậm lại sẽ kéo giảm nhu cầu chở hàng. Và không một công ty nào có thể cảm thấy đó là chuyện dễ thở.

Vì vậy, câu hỏi lớn hơn đặt ra là liệu các chaebol có cấu trúc và thái độ phù hợp để đối phó với những tình huống này không. Liệu họ có đủ ảnh hưởng bên ngoài để giúp gia đình điều hành tốt công ty, cũng như trong quá khứ có từng biết cách ứng phó linh hoạt hay không. 

Hanjin Group được sáng lập bởi ông Cho Choong Hoon năm 1945. Ban đầu, họ là hãng vận chuyển bằng xe tải. Cho gây dựng tài sản bằng cách cung ứng cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam.

Nhưng không phải lúc nào họ cũng làm tốt nhiệm vụ điều hành. Hãng hàng không Korean Air cũng thuộc Hanjin Group và đã trở thành tâm điểm chỉ trích năm ngoái vì scandal “hạt mắc ca”. Khi đó, Cho Hyun-ah - con gái Chủ tịch Hanjin Group đã ra lệnh cho máy bay quay lại cổng và đuổi tiếp viên trưởng xuống do phục vụ hạt mắc ca trong gói thay vì đổ ra đĩa.

Còn với Hanjin Shipping, hồi tháng 6, cựu chủ tịch của hãng - bà Choi Eun-young đã bị giới công tố Seoul cáo buộc bán cổ phiếu một ngày trước khi giá lao dốc vì tin xấu phát ra. Bà Choi là vợ một thành viên trong gia đình sáng lập Hanjin.

Bà làm chủ tịch Hanjin Shipping từ năm 2007 đến 2014. Tuy nhiên, ông Lee Ji-soo - một luật sư tại Trung tâm Nghiên cứu Luật và Kinh doanh ở Soeul cho rằng bà không đủ năng lực. "Không có chuyên môn hay hiểu biết gì về ngành này, nhưng bà ấy vẫn được chỉ định vào chức vụ đó vì quan hệ trong gia đình. Chaebol điển hình là như thế đấy", ông nói.

Việc quản trị trong Hanjin Group từ lâu đã bị chỉ trích rất nặng nề. Hồi thập niên 80 và 90, Korean Air để xảy ra hàng loạt tai nạn. Người ta cho rằng một phần là do văn hóa phân cấp quá nặng nề của công ty, khiến các nhân viên cấp thấp không dám nêu ý kiến. Mà điều này trong buồng lái là sự nguy hiểm chết người.

Những sự việc này không nói lên rằng rắc rối của Hanjing Shipping ngày nay chủ yếu gây ra bởi việc quản trị, hay cấu trúc gia đình trị của họ. Nhưng lịch sử đã một lần nữa làm dấy lên câu hỏi, rằng ở Hàn Quốc, liệu cấu trúc công ty gia đình chặt chẽ như vậy có ẩn chứa bất lợi hay không.

Kim Woo-chan – giáo sư tài chính tại trường kinh doanh thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết: "Rất nhiều chaebol Hàn Quốc không hoạt động tốt. Họ không làm theo ý các cổ đông. Mỗi lần bầu lãnh đạo cấp cao, họ lại có xu hướng chỉ định thành viên trong gia đình". Tuy nhiên, ông tiết lộ các nhà làm luật cũng đang tìm cách thay đổi. Họ sẽ đưa ra những điều luật buộc chaebol cởi mở hơn với việc sở hữu và quản lý của người ngoài.

BBC thì cho rằng việc này sẽ còn phải qua một chặng đường dài nữa. Vì văn hóa và cấu trúc không thể thay đổi chỉ trong một đêm. 

Tin cùng chuyên mục