Cuối năm, nhiều doanh nghiệp mạnh tay chi cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng và eo hẹp dòng tiền, một số doanh nghiệp như Công ty CP FECON, Công ty CP Nam Việt, Công ty CP Xây dựng và Giao thông Bình Dương đã phải xin hoãn trả cổ tức bằng tiền. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lại quyết định chi tạm ứng cổ tức bằng tiền lần 1 năm 2022 ở mức cao cho cổ đông.
Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong quyết định chi hơn 194,3 tỷ đồng trả cổ tức đợt 1 năm 2022. Ảnh: TP
Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong quyết định chi hơn 194,3 tỷ đồng trả cổ tức đợt 1 năm 2022. Ảnh: TP

Ngày 27/10 vừa qua, Công ty CP Nhựa Bình Minh đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức lần 1 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 31%, tức một cổ phiếu sẽ được nhận được 3.100 đồng, ngày thanh toán vào 1/12/2022. Với hơn 81,86 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhựa Bình Minh sẽ chi 253,76 tỷ đồng để trả cổ tức. Quyết định chi cổ tức “khủng” của Nhựa Bình Minh diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty hồi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của Covid-19.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thuần của Công ty đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 4,48 lần, đạt 447,8 tỷ đồng, cao hơn kết quả thực hiện năm 2018 (427,6 tỷ đồng) và năm 2019 (422,7 tỷ đồng). Lý giải về kết quả tích cực này, Nhựa Bình Minh cho biết, giá nguyên liệu nhựa giảm trong khi giá bán vẫn giữ nguyên đã giúp lợi nhuận tăng mạnh. Theo kế hoạch, Nhựa Bình Minh sẽ dùng trên 50% mức lợi nhuận sau thuế của năm 2022 để trả cổ tức.

Ở khu vực phía Bắc, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực sau 9 tháng. Doanh thu và lợi nhuận ròng của Công ty tăng trưởng lần lượt 22,8% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.123 tỷ đồng và 410,3 tỷ đồng. Với kết quả tích cực đạt được, Nhựa Tiền Phong quyết định chi hơn 194,3 tỷ đồng trả cổ tức đợt 1 năm 2022 cho cổ đông vào ngày 15/12 tới đây, tương đương một cổ phiếu sẽ nhận được 1.500 đồng.

Ấn tượng hơn, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 30,261% bằng tiền mặt vào ngày 28/12/2022. Tuy nhiên, sau việc trả cổ tức khủng này, BVH gần như hết sạch lợi nhuận tích lũy, tính đến hết năm 2021.

Là lĩnh vực được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuối năm nhưng với kết quả tích cực 9 tháng đầu năm, Công ty CP May Sông Hồng cũng đã quyết định chi tạm ứng cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Theo đó vào ngày 23/12, Công ty dự chi hơn 187,5 tỷ đồng (chiếm hơn một nửa lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm) trả cổ tức đợt 1 năm 2022, tương đương 1 cổ phiếu nhận được 2.500 đồng. Ngày 20/10, một doanh nghiệp dệt may khác là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 với mức 400 đồng/CP.

Đáng chú ý trong hoạt động chia cổ tức là Công ty CP Tập đoàn KIDO, sau khi tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 6%, doanh nghiệp này đang chuẩn bị tiến hành ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án trả cổ tức 5.000 đồng cho một cổ phiếu. Số tiền dự kiến chi ra lên tới 1.285 tỷ đồng.

Dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của KIDO không có nhiều chuyển biến so với cùng kỳ năm 2021 nhưng mới đây, Công ty đã công bố thương vụ chuyển nhượng 24% cổ phần của Công ty TNHH Calofic cho Siteki Investment Pte Ltd. Giá trị chuyển nhượng được thoả thuận giữa hai bên là 2.158 tỷ đồng.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng quyết định chi tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 năm 2022 cho cổ đông như Công ty CP Cảng Đồng Nai (2.000 đồng/CP), Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (3.500 đồng/CP), Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (1.200 đồng/CP), Công ty CP Traphaco (2.000 đồng/CP), Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (1.500 đồng/cô phiếu), Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (2.500 đồng/CP), Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (2.000 đồng/CP)…

Nhìn chung, các doanh nghiệp chi tạm ứng cổ tức bằng tiền cho cổ đông thường là các doanh nghiệp sản xuất, kết quả kinh doanh hồi phục mạnh mẽ sau dịch, còn dư lợi nhuận để lại hoặc có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục