Năm 2024, Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO dự kiến thu về 459 tỷ đồng từ thu phí 4 dự án BOT giao thông. Ảnh: Nhã Chi |
Dự kiến thu 459 tỷ đồng từ 4 dự án BOT giao thông
Năm 2024, Cường Thuận IDICO dự kiến thu về 459 tỷ đồng từ thu phí 4 dự án BOT (giảm 3,65% so với năm 2023). Trong đó, doanh thu của Dự án Đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến đạt 85 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023 nhờ kết nối tuyến với Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (đường kết nối được khởi công ngày 24/4/2024).
Tại Dự án Tuyến Quốc lộ 1 - tuyến tránh TP. Biên Hòa, Cường Thuận IDICO dự kiến doanh thu năm 2024 đạt khoảng 220 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án tài chính và thực tế hoạt động thu phí, Ban điều hành Công ty đã tính toán lại và xác định Dự án sẽ hoàn thành việc trả nợ ngân hàng vào năm 2027.
Dự án Đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu phường Phước Tân, Tân Cang của Công ty cũng đang hoạt động ổn định với doanh thu năm 2023 đạt 39,6 tỷ đồng (tăng 3,93% so với năm 2022) và lợi nhuận đạt 1,67 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu của Dự án ở mức 38 tỷ đồng.
Với Dự án Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 104 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm khoảng 13,23 tỷ đồng. Dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tăng giá vé từ ngày 29/12/2023 nên dự kiến doanh thu năm 2024 đạt khoảng 116 tỷ đồng.
Riêng với Dự án Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, việc phải dừng thu phí tại trạm T2 từ năm 2019 (hiện chỉ thu phí tại tram T1) khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng. Trong thời gian qua, Cường Thuận IDICO đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để thống nhất phương án nhà nước mua lại Dự án. Trên cơ sở đó, ngày 8/3/2024, Bộ GTVT có Văn bản 2451/TTr-BGTVT trình Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, trong đó có dự án này. Văn bản có đề xuất sử dụng vốn nhà nước mua lại Dự án với tổng giá trị 1.754 tỷ đồng. Ngày 14/5/2024, Bộ GTVT đã có văn bản về việc tham gia ý kiến đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước. Nếu được thông qua phương án này, Công ty có thể trả nợ vay của Dự án và có nguồn thu để trả cổ tức.
Mục tiêu tăng trưởng đột biến từ mảng xây lắp
Trong năm 2024, mảng xây lắp dự kiến tạo doanh thu cho Công ty khoảng 450 tỷ đồng, tăng 94% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, gồm 200 tỷ đồng từ Dự án Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang; 120 tỷ đồng từ hợp đồng thi công Tuyến đường 25C - Nhơn Trạch, 50 tỷ đồng từ gói thầu thuộc Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… Công ty cho biết, kế hoạch trên chưa tính đến doanh thu từ những gói thầu có thể trúng trong các quý còn lại năm 2024.
Cuối tháng 3/2024, Cường Thuận IDICO trúng Gói thầu Xây lắp hạng mục công trình hệ thống giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải và cấp nước đường song hành (Km1+537.57 - Km2+878.44) và đường N3 (Km2+416.89 - Km2+878.44), thuộc Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn với giá 22 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, Cường Thuận IDICO ghi nhận 257,3 tỷ đồng doanh thu, tăng 34,5% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 31,8 tỷ đồng, gấp 9,6 lần. Với kết quả đạt được, Công ty đã hoàn thành 22% mục tiêu doanh thu và 30,5% mục tiêu lợi nhuận ròng cả năm 2024.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của Công ty ở mức 4.568 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 3.126 tỷ đồng, gấp 2,16 lần vốn chủ sở hữu. Phần lớn nợ phải trả của Công ty là các khoản vay (2.440,5 tỷ đồng), chủ yếu để tài trợ cho các dự án BOT giao thông.