Cựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thành lập để quản lý tài sản quy mô 5 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng sẽ làm Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sắp được thành lập.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng sẽ làm Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sắp được thành lập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác; cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng ông Nguyễn Hoàng Anh giữ chức Chủ tịch Ủy ban này.

Tổ công tác còn có sự tham gia của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và đại diện Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư & kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)...

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và sẽ kết thúc nhiệm vụ khi bộ máy ủy ban này hoàn thiện.

Trước đó theo quyết định của Bộ Chính trị cuối tháng 12/2017, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 – 2020 thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng để chờ phân công nhiệm vụ mới. Ông Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1963 tại Hải Phòng, có trình độ Thạc sỹ Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Cử nhân lý luận chính trị.

Việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được những người quan tâm đến lĩnh vực kinh tế chú ý trong thời gian qua. Ủy ban này được thành lập thì nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ được rút khỏi các Bộ, chấm dứt tình trạng các Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Theo dự thảo trước đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ có quy mô tài sản khoảng 5 triệu tỷ đồng, gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty, trong đó có các “đại gia” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)…