Cứu doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà “mắc cạn” trong đại dịch Covid-19

(BĐT) - Trong công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ ngày 16/4/2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, để tăng sức chống chịu, vượt qua khó khăn trong cơn bão đại dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại phải có những hành động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà trong lúc này.
 
Trong 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản và khách hàng vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc. Ảnh: Ngô Ngãi
Trong 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản và khách hàng vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc. Ảnh: Ngô Ngãi
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 và các Nghị quyết 41/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, nên lúc đó chưa xác định bất động sản là lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng.
Trong 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn... Đặc biệt, người vay mua nhà chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn lúc này.
Do vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, Ngân hàng Nhà nước nên đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Song song đó, đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch CoViD-19. Những đề nghị chính đáng này hoàn toàn phù hợp theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài những kiến nghị nêu trên, HoREA còn kiến nghị về việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. 
Ghi nhận ý kiến phản hồi từ các chủ đầu tư bất động sản cho thấy, đối với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu, thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Đối với các cá nhân, hộ gia đình, trước đây khi được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.
Hiện nay, nếu cá nhân, hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất để hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, thì khoản tiền này có giá trị rất lớn, trong lúc hầu hết các cá nhân, hộ gia đình đều khó khăn và đang phải vất vả đối phó với đại dịch.
Ví vậy, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3-0/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, đề nghị xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Riêng chi phí lãi vay được tính khấu trừ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo mô hình mẹ-con, theo HoREA, mục đích của Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá tại các tập đoàn đa quốc gia, nhưng khi áp dụng thì tác động bất lợi, làm thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết theo mô hình mẹ-con, đi đôi với mức khấu trừ chi phí lãi vay chỉ 20% là quá thấp và không hợp lý.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 làm gia tăng áp lực tài chính lên doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp gặp khó chồng khó khi bị xuất toán các chi phí lãi vay “thật” này và bị đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp trên khoản lãi vay bị xuất toán, trong lúc doanh nghiệp có thể đang bị thua lỗ.
Vì thế, HoREA kiến nghị, Chính phủ cho doanh nghiệp được giãn tiến độ 5 tháng đối với các khoản thu thuế phát sinh từ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP mà doanh nghiệp chưa nộp, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP (có hiệu lực), để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
Đặc biệt, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP theo kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

"Việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái khởi động thị trường bất động sản sau đại dịch là rất cần thiết", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh và hy vọng: "Những kiến nghị của HoREA đối với Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm được chấp thuận".

Tin cùng chuyên mục