Cựu nhà báo Trương Duy Nhất lĩnh án 10 năm tù

Với cáo buộc giúp Vũ “nhôm” thâu tóm “đất vàng” 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng), cựu nhà báo Trương Duy Nhất bị tuyên phạt 10 năm tù giam.
Bị cáo Trương Duy Nhất tại tòa ngày 9/3. (Ảnh chụp màn hình)
Bị cáo Trương Duy Nhất tại tòa ngày 9/3. (Ảnh chụp màn hình)

Sau nửa ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Duy Nhất (SN 1964, cựu Trưởng văn phòng Trung Trung Bộ, báo Đại Đoàn kết) 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Về dân sự, nhà đất số 82 Trần Quốc Toản đã được xử lý trong vụ án khác nên tòa án không xem xét.

HĐXX sơ thẩm khẳng định, trong vụ án này, các cơ quan và người tố tụng đã làm đúng các quy định, trình tự. Việc cơ quan điều tra bắt giữ bị cáo tại Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có biên bản và xác nhận của Viện kiểm sát.

Cũng theo HĐXX, năm 2003, Trương Duy Nhất dù không được báo Đại Đoàn kết chỉ đạo nhưng vẫn gửi 3 công văn cho chính quyền TP Đà Nẵng để được mua nhà đất số 82 Trần Quốc Toản làm văn phòng đại diện.

Khi được UBND TP Đà Nẵng đồng ý, bị cáo Nhất liên hệ, thỏa thuận sẽ bán khu đất này cho Phan Văn Anh Vũ (Giám đốc Công ty CP Xây dựng 79) với giá đúng bằng giá Nhà nước giao. Hành vi này trái công vụ, không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng.

“Trên thực tế, đến năm 2011, trụ sở của báo Đại Đoàn kết bị gỡ biển và không còn hoạt động tại đây. Bị cáo đã phạm tội với tình tiết tăng nặng kịch khung là gây thiệt hại hơn 500 triệu đồng như Viện kiểm sát truy tố là đúng người, đúng tội, không oan.” - chủ tọa phiên tòa khẳng định.

Đánh giá về vụ án, HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo Nhất đã xâm phạm đến trật tự xã hội, gây mất niềm tin cho nhân dân. Bị cáo phạm tội vì lợi ích của báo Đại Đoàn kết và của người khác nên cần cách ly khỏi xã hội một thời gian.

TAND TP Hà Nội cũng cho rằng, để xảy ra vụ án còn có trách nhiệm của một số cá nhân thuộc Ban Biên tập báo Đại đoàn kết và UBND TP Đà Nẵng nhưng những người này đã bị xử lý hình sự hoặc đã bị xử lý hành chính nên tòa án không xem xét.

Trước đó, cáo trạng xác định, báo Đại Đoàn kết từng đề nghị UBND TP Đà Nẵng cấp hoặc cho thuê một địa điểm thuận lợi trong thành phố này để làm trụ sở Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ, đồng thời giao cho Trương Duy Nhất liên hệ với chính quyền địa phương để giải quyết.

Trên cơ sở đó, năm 2003, bị cáo Nhất gửi văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng cho mua nhà công sản, không tính hệ số sinh lời để làm trụ sở văn phòng đại diện. Chính quyền Đà Nẵng sau đó đồng ý bán cho Văn phòng Trung Trung Bộ nhà đất tại số 82 phố Trần Quốc Toản với giá hơn 670 triệu đồng.

Cùng thời điểm, bị cáo Nhất thỏa thuận với Phan Văn Anh Vũ là Vũ sẽ đứng ra nộp tiền mua nhà số 82 Trần Quốc Toản. Sau đó, Trương Duy Nhất sẽ làm thủ tục bán nhà đất công sản này cho Công ty CP Xây dựng 79 do Vũ làm giám đốc.

Tại tòa, bị cáo Trương Duy Nhất cho rằng mình không có trách nhiệm trong việc giúp Vũ “nhôm” thâu tóm nhà đất số 82 Trần Quốc Toản. Khu đất này vốn được UBND TP Đà Nẵng bán cho báo Đại Đoàn kết từ năm 2004 để làm trụ sở văn phòng đại diện nhưng sau đó Nhất bán lại cho Vũ.

Tuy vậy, bị cáo Nhất khẳng định bản thân làm việc theo phân công, ủy quyền của Ban Biên tập báo Đại Đoàn kết.

“Nếu việc bán đất có thiệt hại, trách nhiệm thuộc về bên bán, tức là UBND TP Đà Nẵng.” - bị cáo Nhất lập luận.

Với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Phan Văn Anh Vũ cho rằng, bị cáo Nhất không phạm tội như truy tố. Việc ông ta mua nhà, đất công sản số 82 Trần Quốc Toản là không trái với quy định pháp luật và nếu có sai là sai ở phía chính quyền TP Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục