Cựu sếp Oceanbank thừa nhận tài sản bảo đảm thiếu sót

(BĐT) - Cuối giờ chiều ngày 28/2, bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã có lời khai đầu tiên trước Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm. Đáng chú ý, trong lời khai, bị cáo Thắm thừa nhận có “lỏng lẻo”, thiếu tài sản bảo đảm trong việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng.
Bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung. Ảnh: VnExpress
Bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung. Ảnh: VnExpress

Vi phạm quy định cho vay

Trước đó, trong ngày 27 và gần hết ngày 28/2, HĐXX đã tiến hành thủ tục bắt đầu phiên tòa và nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội công bố bản cáo trạng.

HĐXX đã thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm về hành vi vi phạm quy định cho vay trong việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận là người trách nhiệm cao nhất đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung. Tuy nhiên, bị cáo Thắm muốn trình bày một số vấn đề bị cáo này cho rằng chưa thỏa đáng trong cáo trạng và kết luận điều tra.

Theo cáo buộc, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng về Oceanbank nên Hà Văn Thắm đã gặp gỡ bà Hứa Thị Phấn đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) qua việc bán 82,9% vốn điều lệ của TrustBank. Tuy nhiên, khi vào tiếp quản TrustBank, Hà Văn Thắm phát hiện nhiều khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và nhóm khách hàng này, do đó, Hà Văn Thắm tính chuyện tìm đối tác khác để chuyển nhượng lại TrustBank.

Tiếp đó là các trao đổi và giao dịch với Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. Phạm Công Danh đồng ý mua lại cổ phần TrustBank với giá 4.619 tỷ đồng.

Thắm, Danh và Phấn đã thỏa thuận Oceanbank cho Danh vay 500 tỷ đồng và số tiền này Danh sẽ sử dụng để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại TrustBank và ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần TrustBank. Sau đó, Oceanbank đã cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Cơ quan điều tra kết luận vốn điều lệ 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung không có thật, không có tính pháp lý, tài sản bảo đảm không đủ so với khoản vay. 

Thừa nhận thiếu tài sản bảo đảm khoản vay 500 tỷ đồng

Theo bị cáo Hà Văn Thắm, khi đánh giá tài sản bảo đảm của Công ty Trung Dung, bị cáo không nhìn vào vốn góp cổ phần 250 tỷ đồng của Công ty - khoản bị kết luận là không có thật - mà đánh giá giá trị thương mại của công ty này.
Tại phiên tòa, bị cáo Hà Văn Thắm trình bày về tài sản bảo đảm, thừa nhận có “lỏng lẻo”, thiếu tài sản, một số giấy tờ chỉ có bản photo. Vì thế bị cáo này đã áp dụng biện pháp bổ sung, yêu cầu khi khoản tiền 500 tỷ đồng này được chuyển tới tài khoản tại Trustbank thì phải phong tỏa cho đến khi giấy tờ gốc được cung cấp cho Oceanbank. Oceanbank, Trustbank và Công ty Trung Dung đã ký thỏa thuận, theo đó khoản tiền tại tài khoản Trustbank sẽ được phong tỏa và chỉ được giải tỏa khi đáp ứng hai điều kiện: cung cấp đủ hồ sơ gốc và được Oceanbank xác nhận cho phép giải tỏa.

Theo trình bày của cựu Chủ tịch Oceanbank, cá nhân bị cáo vẫn tin tưởng rằng các bên còn lại đã thực hiện đúng với thỏa thuận này. Khoảng 1 năm sau, Hà Văn Thắm có nhắc nhở cấp dưới kiểm tra việc này thì Trustbank có gửi văn bản xác nhận rằng khoản tiền 500 tỷ đồng vẫn được phong tỏa. Cho đến khi bị bắt và sau đó đọc Kết luận điều tra thì bị cáo mới biết khoản tiền đó đã được giải tỏa và rút ra sử dụng ngay sau khi chuyển vào tài khoản.

Bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng chính bị án Phạm Công Danh, người đang chấp hành án phạt 30 năm tù giam trong đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng – tiền thân là Trustbank, đã “lừa” bị cáo Thắm và Oceanbank.

Bị cáo Thắm còn trình bày, khi đánh giá tài sản bảo đảm thì bị cáo không nhìn vào vốn góp cổ phần 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung – khoản này bị kết luận là không có thật, mà đánh giá giá trị thương mại của Công ty. Công ty Trung Dung có doanh thu rất lớn từ việc cho thuê địa điểm, đó là cơ sở để định giá giá trị thương mại.

Có mặt tại phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Phạm Công Danh bày tỏ rất muốn có mặt tại phiên tòa này để làm rõ nhiều vấn đề. Theo lời khai của Phạm Công Danh, Danh và Thắm có quan hệ vay mượn, làm ăn, hợp tác từ lâu. Phạm Công Danh trình bày do xuất thân từ doanh nghiệp xây dựng, thấu hiểu các doanh nghiệp xây dựng rất vất vả khi vay mượn ngân hàng nên ôm hoài bão sẽ làm ngân hàng xây dựng. Phạm Công Danh có xin phép nhưng khi đó Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không cấp phép thành lập thêm ngân hàng mới. Khi đó, Hà Văn Thắm có đề nghị mua lại ngân hàng đang tái cơ cấu và giới thiệu Trustbank.

Hôm nay (1/3), phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Tin cùng chuyên mục