Cựu tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội bị phạt 14 năm tù

Ông Nguyễn Huy Ban (cựu tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) chiều nay nhận mức án 14 năm tù.
Ông Ban (áo trắng, hàng trên), Hồng (áo xanh, ngoài cùng bên phải) cùng các bị cáo khi nghe tòa tuyên án.
Ông Ban (áo trắng, hàng trên), Hồng (áo xanh, ngoài cùng bên phải) cùng các bị cáo khi nghe tòa tuyên án.

Sau bốn ngày nghị án, chiều 25/9, TAND Hà Nội xác định ông Ban đã phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo khoản 3, điều 165, Bộ luật Hình sự 1999) trong vụ án gây thất thoát 1.700 tỷ đồng. Cùng tội danh, một cựu tổng giám đốc khác của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là Lê Bạch Hồng bị phạt 6 năm tù. Ông Ban phải bồi thường 292 tỷ đồng, Hồng bồi thường 150 tỷ đồng cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Tòa cũng tuyên phạt Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính) án 14 năm và bồi thường 292 tỷ đồng; Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp) án 3 năm; Hoàng Hà (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) lĩnh 7 năm, cùng tội danh theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.

Ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, bị cáo Trần Thanh Thủy (cựu chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) nhận hai năm tù treo.

Theo phán quyết của TAND Hà Nội, Agribank phải bồi thường cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gần 870 tỷ đồng, số tiền còn lại sau phần bồi thường của các bị cáo.

Theo tòa, qua tài liệu hồ sơ và thẩm vấn từ ngày 18/9 đến 21/9, HĐXX xác định, pháp luật không cho phép Công ty cho thuê tài chính LC II (do Vũ Quốc Hảo làm tổng giám đốc) vay vốn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam song ông Vũ Quốc Hảo vẫn gặp ông Ban, Tường đặt vấn đề. Ông Tường yêu cầu ALC II phải có thư bảo lãnh của Agribank và việc này được đáp ứng.

Từ tháng 4/2008 đến 8/2009, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho ALC II vay hơn 1.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Trong đó, ông Ban trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho vay, tổng số 630 tỷ đồng, không dựa trên cơ sở quy định của pháp luật. Ông Hồng trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho vay, tổng số 380 tỷ đồng.

Sau khi thanh toán được một hợp đồng (200 tỷ đồng), ALC II không thanh toán lãi hàng tháng, không trả tiền gốc khi đến hạn. Tính đến nay, số nợ của ALC II là hơn 1.700 tỷ đồng, không có khả năng trả khiến Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bị thất thoát.

Ngày 31/7/2018, TAND TP HCM tuyên bố ALC II phá sản.

Trong vụ án này, ông Ban phải chịu trách nhiệm về hơn 1.260 tỷ đồng thất thoát, ông Hồng chịu trách nhiệm với 435 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục