Đa dạng hóa kênh dẫn vốn cho DN nhỏ và vừa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nếu được triển khai, sẽ góp phần đa dạng kênh huy động vốn cho DN để vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển kinh doanh. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu, chuyên gia tài chính, doanh nghiệp tại Hội thảo tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV vừa diễn ra tại Hà Nội.
Việc mở rộng hình thức cho vay của Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Lê Tiên
Việc mở rộng hình thức cho vay của Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Lê Tiên

Thêm kênh huy động vốn cho DNNVV

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, sau hơn 3 năm triển khai, hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ đã mang lại kết quả ban đầu tích cực đối với các DNNVV. Các DNNVV đã hoạt động hiệu quả hơn, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều DN sử dụng vốn đã trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ DNNVV.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, Quỹ đẩy mạnh hoạt động nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Đặc biệt, để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DNNVV, dự kiến Quỹ sẽ triển khai mô hình cho vay trực tiếp.

Ông Bùi Hoàng Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ cho vay thuộc Quỹ Phát triển DNNVV thông tin: “DNNVV có nhu cầu vay vốn sẽ chuẩn bị hồ sơ chuyển tới Quỹ để đánh giá hồ sơ và tư vấn cho DN hoàn thiện. Trên cơ sở hồ sơ dự án, Quỹ sẽ đánh giá và thẩm định và ra quyết định cho vay hoặc không cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo rõ lý do từ chối cho vay. Trường hợp đồng ý cho vay sẽ tiến hành ký kết hợp đồng, hoàn thiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm và giải ngân cho DN. Lúc này Quỹ tiến hành quản lý khoản vay, giám sát, kiểm tra thu nợ, điều chỉnh và xử lý rủi ro (nếu có). Cuối cùng, Quỹ tất toán khoản vay và thanh lý hợp đồng sau khi đối tượng vay hoàn thành các nghĩa vụ”.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý

Tại Hội thảo, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việc Quỹ Phát triển DNNVV chuyển sang hình thức cho vay trực tiếp là bước chuyển vô cùng quan trọng, không những về hình thức mà còn cả nội dung trong việc tiến tới kinh doanh như một ngân hàng, trừ huy động vốn từ người dân, DN”.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi chuyển sang hình thức cho vay trực tiếp, Quỹ sẽ phải giải quyết một số vấn đề như: xây dựng và duy trì một bộ máy để vận hành tín dụng; rủi ro tín dụng tăng cao trong giai đoạn DN đang phải oằn mình chống chọi với những khó khăn do dịch bệnh… Tuy vậy, triển khai hình thức cho vay trực tiếp lại có nhiều điểm lợi như: tự chủ trong tất cả các khâu trong quy trình cho vay (thẩm định, giải ngân, giám sát và thu hồi nợ); xây dựng và phát triển một mô hình kinh doanh và quản lý phù hợp với mục đích và tiêu chí của Quỹ; khả năng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Để giảm thiểu rủi ro khi triển khai hình thức cho vay mới, TS. Hiếu nhấn mạnh, Quỹ cần có quy chế cho vay trực tiếp; bổ sung quy trình (thẩm định, giải ngân, theo dõi nợ, thu hồi nợ và xử lý nợ xấu); xây dựng nguồn nhân lực đầy đủ để đáp ứng yêu cầu về vận hành khi cho vay trực tiếp…

Đánh giá cao việc mở rộng hình thức cho vay của Quỹ, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng: “Đây sẽ là kênh hỗ trợ góp phần mở ra những cơ hội mới cho DNNVV Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh”. Bà Caitlin Wiesen khuyến nghị, cần tạo lập cơ chế cho vay mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững để tháo gỡ những rào cản tín dụng mà DNNVV gặp phải. Bên cạnh đó, đại diện UNDP cũng gợi ý, Quỹ nên tập trung vào sự phát triển và phục hồi xanh nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu với việc đưa ra các tiêu chí rõ ràng bảo đảm các mô hình kinh doanh và sản phẩm xanh.

Tại Hội thảo, nhiều mô hình cho vay trực tiếp đối với DNNVV cũng được đưa ra giới thiệu như: mô hình cho vay quốc tế JFC của Nhật Bản cho các DN khởi nghiệp, DN siêu nhỏ và nhỏ; mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn Quỹ Phát triển DNNVV sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động cho vay trực tiếp bên cạnh triển khai tốt hoạt động ủy thác, cho vay gián tiếp nhằm đa dạng thêm các kênh tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DNNVV, hoàn thành tốt các nhiệm vụ Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục