Ảnh Internet |
Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài khu vực công, cần tăng cường PCTN trong cả khu vực tư.
Doanh nghiệp chưa tích cực cam kết về minh bạch
Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) vừa công bố “Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của DN: Đánh giá 30 DN lớn nhất Việt Nam”.
Theo báo cáo này, các DN được lựa chọn dựa trên xếp hạng của VNR500 năm 2015, bao gồm 10 DN nhà nước, 10 DN niêm yết và 10 DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Quá trình đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: chương trình PCTN, minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN và cơ chế báo cáo theo quốc gia. Các dữ liệu của Báo cáo được thu thập từ các nguồn công khai do chính DN cung cấp, cụ thể là các trang thông tin điện tử của DN.
Theo Báo cáo, trong 30 DN được khảo sát, có 21 DN không công khai các chương trình PCTN, 12 DN không công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu, 4 DN không có trang thông tin điện tử (website), 16 DN không cung cấp thông tin về các công ty con tại nước ngoài. Đặc biệt, không có DN nào công bố đầy đủ thông tin về cả 3 tiêu chí nêu trên.
Liên quan đến chương trình PCTN, Báo cáo đánh giá, điểm trung bình của 30 DN chỉ đạt 10% (100% là công khai nhiều nhất, 0% là công khai ít nhất). Trong đó, khối DN nhà nước đạt điểm thấp nhất (1,9%), tiếp theo là các công ty niêm yết (5,1%).
Báo cáo cũng lưu ý, các DN đạt điểm số cao là những DN có cam kết thực hiện minh bạch khá mạnh mẽ. Ngược lại, những DN có điểm số thấp là DN có cam kết thực hiện minh bạch chưa cao, hoặc DN có cam kết nhưng chưa chú trọng đến việc truyền thông đầy đủ ra bên ngoài, thông qua website của DN.
Đã đến lúc phải chống tham nhũng trong khu vực tư
Bình luận về Báo cáo của TT, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, lâu nay chúng ta vẫn nhấn mạnh việc PCTN trong khu vực công (liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép của các cơ quan công quyền). Tuy nhiên, đã đến lúc phải quan tâm tới PCTN cả trong khu vực tư. “Khi môi trường kinh doanh lành mạnh, tin cậy, thì chi phí vận hành thiết chế khác giảm, có lợi chung cho toàn thể nền kinh tế. PCTN trong khu vực tư nhân cũng có khả năng lây lan, ảnh hưởng tích cực tới khu vực công”, ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, PCTN trong khu vực tư quan trọng, nhưng không nên đưa khu vực này thành đối tượng của Luật PCTN. Khu vực này nên để phía bên ngoài dùng biện pháp, sức ép khác để thực thi. “Nếu quy định trong Luật PCTN sẽ dẫn đến nguy cơ chuyển định hướng của cơ quan PCTN; nguy cơ lạm quyền cũng có thể xảy ra khi thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động giao dịch dân sự; gây ra cách hiểu ngược của người dân” – ông Tuấn e ngại.
Ở góc tiếp cận khác, Luật sư Ngô Văn Hiệp cho rằng, việc Nhóm nghiên cứu của TT chỉ khảo sát, đánh giá mức độ công khai thông tin của các DN lớn sẽ khó thấy được hết bức tranh về PCTN tại Việt Nam. Thực tế, các DN lớn đều là những DN có thương hiệu, có khả năng tài chính và vị thế nhất định trong xã hội. Vị thế đó khiến nhiều cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền không dám “vòi vĩnh” hoặc ép DN và người dân phải chi những khoản phí không chính thức. Chính vì việc khảo sát chỉ tập trung vào nhóm các DN này nên kết quả thu được không đến nỗi ảm đạm lắm.
“Việt Nam có tới hơn 90% số lượng DN là nhỏ và vừa. Nhóm DN này quen làm ăn theo kiểu du kích, hay bị gợi ý về việc chi những khoản phí không chính thức và cũng dễ sẵn sàng chấp nhận. Do đó, nếu Nhóm nghiên cứu tập trung khảo sát các DN này có thể sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh hơn về PCTN tại DN hiện nay” – Luật sư Ngô Văn Hiệp đề xuất.