Đã xử phạt vi phạm về tài nguyên môi trường hơn 72 tỷ đồng

(BĐT) - Ngày 17/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã họp báo chuyên đề về công tác thanh tra tài nguyên và môi trường.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển chủ trì buổi họp báo  Ảnh: Trần Tuyết
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển chủ trì buổi họp báo Ảnh: Trần Tuyết

Theo đó, trong năm 2015 và 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hàng 157 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 2.203 tổ chức, gồm 8 cuộc thanh tra hành chính và 149 cuộc thanh tra chuyên ngành. Bộ cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 627 tổ chức với số tiền là 72,214 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp danh sách 108,821 tỷ đồng.

Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai, Bộ TN&MT đã thực hiện 35 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 50 tổ chức, gồm 11 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai; 13 cuộc kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật đất đai; 11 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức với số tiền 40 triệu đồng và kiến nghị truy thu 108,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Trong lĩnh vực môi trường, Bộ đã thực hiện 20 cuộc thanh, kiểm tra đối với 1.678 tổ chức, gồm 16 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 4 cuộc thanh tra đột xuất về bảo vệ môi trường. Bộ cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chúng 499 tổ chức với số tiền là 56,352 tỷ đồng và 18 quyết định khắc phục hậu quả vi phạm đối với các tổ chức vi phạm nhưng quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện 43 cuộc thanh, kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản; 11 cuộc thanh, kiểm tra trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; 12 cuộc thanh, kiểm tra về đo đạc và bản đồ; 9 cuộc về tài nguyên nước; 4 cuộc về thanh tra chuyên ngành kết hợp nhiều lĩnh vực.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, đến thời điểm hiện nay với việc hoàn thành 100% kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2015 và 80% kế hoạch của năm 2016, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục những bất cập, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước.