Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ là các “sân chơi” mang tính toàn cầu ngay tại Việt Nam. Ảnh: Lâm Thanh Sơn |
Đồng thời, các đặc khu cũng sẽ tạo ra sân chơi rộng lớn hơn và giúp doanh nghiệp Việt trưởng thành để đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Cuộc đua toàn cầu
Dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được báo cáo Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV khai mạc cuối tháng 10 này. Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ có những cơ hội bứt phá ngoạn mục, trở thành các cực tăng trưởng trong tương lai khi thể chế cho các đặc khu được thông qua. Đó là cơ chế hành chính một cấp thông thoáng, giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là các chính sách ưu đãi về kinh tế vượt trội, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư và cạnh tranh được với các đặc khu đi trước.
Theo tinh thần của Dự Luật, các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ được rút xuống tối thiểu, chỉ giữ lại một số ngành thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe. Một trong những chính sách được doanh nghiệp rất quan tâm là cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa 99 năm đối với một số ngành nghề ưu tiên phát triển nếu được Thủ tướng đồng ý.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đầu tư sẽ áp dụng linh hoạt với từng ngành nghề, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, đất đai, sử dụng đất đối với ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khởi nghiệp và sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án y tế, giáo dục chất lượng cao... sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất, vượt các ưu đãi áp dụng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao hiện nay.
Đây là những điểm sẽ tạo sức hấp dẫn giới doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hoạt động đầu tư kinh doanh tại các đặc khu được bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nước ngoài. Dự thảo Luật cho phép nhà đầu tư được lựa chọn luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài; hoặc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài có thẩm quyền. Các tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Người nước ngoài cũng được sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng tại đặc khu gắn với một số điều kiện. Đặc khu cũng sẽ áp dụng các chính sách mở cửa thị trường, như mở cửa lĩnh vực phân phối cho một số sản phẩm chưa được quy định trong WTO và một số hiệp định thương mại tự do.
Chắc chắn khi thể chế cho các đặc khu được hoàn thiện và đi vào thực tiễn, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ là các sân chơi mang tính toàn cầu ngay tại Việt Nam, tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt phải tự nâng cao năng lực
Ở Vân Đồn, có thể nhắc đến doanh nghiệp đầu tiên có những dự án lớn là Sun Group và sau đó là nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư như FLC, HD Mon, gần đây là CEO Group… Ở Phú Quốc, dấu ấn của doanh nghiệp Việt đã rất rõ ràng, khi những dự án lớn tại đây là của thương hiệu đình đám trong nước như Vingroup, Sun Group, CEO Group,…
Trong tương lai, với những nét phác họa tại Dự thảo Luật, Vân Đồn sẽ là nơi tập trung phát triển các nhóm ngành, nghề công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm. Bắc Vân Phong là một đặc khu tập trung phát triển các nhóm ngành, nghề gồm công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; thương mại - tài chính. Và Phú Quốc sẽ tập trung phát triển 3 nhóm ngành, nghề gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia ở nhiều ngành nghề với những cơ hội rộng mở. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, trong sân chơi thời hội nhập, doanh nghiệp Việt không có cách nào khác là phải vận hành theo cơ chế quốc tế, tự nâng cao năng lực. Doanh nghiệp không hoàn thiện mình sẽ bị đào thải, sẽ không có cơ chế ưu đãi riêng cho doanh nghiệp Việt Nam để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
Ông Phi cho rằng, doanh nghiệp Việt cũng phải nhìn thấy điều sẽ đạt được khi tham gia cuộc đua toàn cầu, đó là nhiều cơ hội để trưởng thành hơn và trong tương lai có thể từ đặc khu sẽ có một đội ngũ doanh nghiệp Việt đủ sức mạnh cạnh tranh toàn cầu.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp đầu tư khá sớm vào Phú Quốc, ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) tin tưởng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tại đặc khu nhờ chính sách về kinh tế và hành chính đột phá, đẩy mạnh hợp tác và cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ông Đức, nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài đều có những ưu thế riêng của mình. Doanh nghiệp Việt tự tin vì am hiểu thị trường, am hiểu văn hóa, hiểu khách hàng và có rất nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư ở các đặc khu từ thời kỳ sơ khai. Do đó, doanh nghiệp Việt cần phát huy những ưu thế của mình, đồng thời tăng năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, học hỏi từ các mô hình kinh doanh thành công trên thế giới.