Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: QH |
Quy định về phân bón trong dự thảo Luật Trồng trọt đã làm nóng phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội ngày 23/5.
"Tôi đi tới đâu người dân cũng kêu ca vấn đề phân bón giả, chúng ta phải làm sao khắc phục vấn đề này", đại biểu Trương Văn Nọ phản ánh và đề nghị ban soạn thảo phải quy định điều kiện sản xuất phân bón "thật chặt", bởi với hàng nghìn loại phân bón hiện nay thì cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho hay ông thường xuyên nhận được kiến nghị của cử tri về phân bón giả, gây thiệt hại lớn cho người dân. "Nhiều công ty chỉ có vài cái máy như máy trộn bê tông, trộn toàn đất sỏi cho nặng cân rồi bán”, ông Cương bức xúc.
Theo ông Cương, điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước cần chuẩn hóa phân bón về số lượng, chủng loại. “Không có đất nước nào nhiều loại phân bón như Việt Nam, tới cả chục nghìn loại. Thái Lan có quy mô kinh tế lớn hơn Việt Nam nhưng họ chuẩn hóa chỉ hơn 100 loại phân bón", đại biểu cho hay.
Đại biểu Cương cũng cho rằng, dự thảo Luật đã dành một chương quy định về phân bón song chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về vấn đề này. Đáng lưu ý là cơ quan soạn thảo hạn chế "mỗi cá nhân, tổ chức chỉ đứng tên đăng ký một loại phân bón". "Quản lý chất lượng chứ sao lại quản lý theo đầu người? Chúng ta cần có những công ty lớn sản xuất nhiều loại phân bón, chứ sao lại khuyến khích thành lập nhiều loại công ty”, ông Cương phản biện quy định của dự thảo luật.
Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng cho rằng phải quản lý phân bón từ gốc sản xuất. "Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được hàng tỷ USD nhưng lại phải nhập tới 12-13 tỷ USD vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón", ông nói.
"Có công nghệ chế biến tốt sẽ không phải giải cứu nông sản"
Một vấn đề khác được đại biểu Trần Văn Túy nêu ra là dự thảo Luật Trồng trọt dành nhiều quy định về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, theo ông Túy, nông nghiệp Việt Nam đang yếu là công nghệ sau thu hoạch: bảo quản, chế biến.
Ông cho hay, tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam lớn nhất thế giới, do vậy nếu lĩnh vực này có công nghệ tốt để bảo quản, chế biến thì "không phải giải cứu" nhiều loại nông sản như vừa qua.
"Nguyên nhân chính của giải cứu là sản xuất tự nhiên, nếu có công nghệ chế biến thì nông dân sản xuất theo điều tiết thị trường”, ông Túy nói.