Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, ông Trần Mạnh Hùng |
Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 vào sáng nay, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, ông Trần Mạnh Hùng vừa mừng, vừa lo khi Chính phủ thẳng thắn thừa nhận “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi”.
Mừng vì Chính phủ dám nhìn thẳng vào sự thật, nhưng lại lo vì quốc nạn chưa được đẩy lùi. Nhưng ông Hùng bày tỏ thái độ không hài lòng khi mà tình trạng lãng phí, tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng, nhưng nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 với công tác này chỉ là chú trọng; nâng cao; đẩy mạnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách; thiết lập cơ chế giám sát… Nói chung toàn những ngôn từ “đao to, búa lớn” nhưng chưa đúng tầm.
Theo ông Hùng, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì giai đoạn tới phải coi công tác chống lãng phí, tham nhũng là nhiệm vụ hàng đầu, thậm chí là số 1.
“Bởi tham nhũng, lãng phí không chỉ dừng ở tiền tài, vật chất, tài sản mà đã có hiện tượng tham nhũng chính sách. Tham nhũng không còn là hiện tượng cá biệt ở một số bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà đã trở thành phổ biến”, ông Hùng giải thích về việc phải coi chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ số 1, ít ra là hàng đầu trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đề nghị Chính phủ phải có báo cáo đầy đủ hơn, toàn diện hơn, thẳng thắn hơn và trung thực hơn về công tác chống lãng phí, tham nhũng thời gian vừa qua, ông Hùng còn mạnh dạn đề nghị: “Trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào tuần tới, tân Thủ tướng Chính phủ phải đặt quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí, phải hứa với Quốc hội, với nhân dân là trong nhiệm kỳ của mình đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí”.
Ông Hùng cho rằng, không chỉ có Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà cả hệ thống chính trị, tất cả mọi công dân phải coi tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm và cùng nhau coi chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ của mình. Có như vậy thì nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ khóa XIV mới đẩy lùi được nạn ngoại xâm này.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Lê Như Tiến, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Bá Thuyền, Lê Thị Nga, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Ngọc Phương… là những người được đánh giá là có tinh thần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng rất cao. Vì vậy, trong phiên thảo luận cuối cùng về tình hình kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Lê Như Tiến tiếp tục lên án mạnh mẽ tình trạng này. Vì theo ông, nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí thì thành quả phát triển kinh tế - xã hội sẽ không được như mong muốn, tình trạng phân hóa giàu nghèo gia tăng, bất ổn về an ninh trật tự xã hội có cơ hội phát triển.
“Các địa phương mời gọi đầu tư trong và ngoài nước đều nói mình có lợi thế, như đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã… nhậu hết cả chim”, ông Lê Như Tiến nhắc lại lời cảm thán của Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh trong phiên thảo tổ về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 mới đây.
Nhắc lại chuyện Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) đổ đất, cắt điện, rào lối đi để ngăn chặn doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp đang là đề tài nóng hổi, ông Tiến nhìn nhận: “Địa phương nào cũng tha thiết mời gọi đầu tư, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của địa phương, lúc nào cũng nói đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhưng chủ trương tốt đẹp đã bị vô hiệu hoá bởi cách hành xử của cấp dưới”.
Cách mời gọi đầu tư ở nhiều địa phương được ông Tiến khái quát khá hài hước: “Trên trải thảm, dưới rải đinh”, chưa kể đến nạn muốn thực hiện thủ tục hành chính, và các thủ tục để bắt tay vào kinh doanh cũng như trong quá trình kinh doanh hầu hết doanh nghiệp phải trả “chi phí gầm bàn”, chi phí ngầm, chi phí không chính thức.
“Cách mời gọi đầu tư trên trải thảm, dưới rải đinh hiện nay khiến nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Tại các danh lam, thắng cảnh, khu du lịch, nghỉ dưỡng cũng “trải thảm” để mời gọi du khách quốc tế với những slogan hết sức ấn tượng như “điểm đến”, “vẻ đẹp tiềm ấn”…, nhưng nhà hàng, khách sạn lại chặt chém du khách vô tội vạ đã khiến du khách một đi không trở lại”, ông Tiến kết luận.
Ông Tiến hết sức đau đáu khi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã phải nói thẳng rằng, hiện nay không chỉ có tình trạng chạy chức, chạy quyền mà còn có hiện tượng… chạy luân chuyển. Còn Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã từng phát biểu rất bức xúc rằng: “Bây giờ người ta “ăn” không từ một thứ gì”.
“Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt diễn ra ở nhiều nơi ai cũng biết. Tình trạng chạy chức, chạy quyền và chạy cả luân chuyển diễn ra không hiếm. Ai cũng bảo phải chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Nhưng ai chống? Chống ai?”, ông Tiến nhắc lại câu nói cửa miệng của người dân khi bàn về chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.