'Đại gia siêu lừa' hứa trả tiền nhà đầu tư khi đứng trước tòa

Bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng, Minh phủ nhận, nói các dự án hoạt động tốt "trong tương lai", khiến nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng.
Bị cáo Trịnh Anh Minh tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Trịnh Anh Minh tại phiên tòa sơ thẩm.

Trong hai ngày 8-9/11, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Trịnh Anh Minh (34 tuổi, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Williams Việt Nam) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 139 Bộ Luật hình sự 1999.

Theo cáo buộc, năm 2013, sau khi thành lập công ty, Minh huy động vốn, tiền gửi của người dân, mặc dù chức năng này Williams Việt Nam không được phép kinh doanh.

Minh dặn nhân viên, khi mọi người đến tìm hiểu hoạt động, sẽ nói công ty huy động vốn để đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng, điện thoại, nhà hàng, quán karaoke KTV... Nghe tới dự án lớn này của ông chủ công ty, nhiều người đã tin tưởng, góp vốn cho Minh.

Minh tổ chức hai nhánh nhận tiền của nhà đầu tư và phân công Vi Văn Toàn (36 tuổi, Trưởng ban đầu tư công ty Williams) đứng đầu nhánh thứ nhất. Dưới Toàn có Lê Trường Giang và Lương Ngọc Hoàng, dưới hai người này là các đầu mối kết nối khác. Người kết nối vừa là nhà đầu tư, vừa đảm nhiệm vai trò chào mời, lôi kéo thêm người nộp tiền vào công ty.

Nhánh thứ hai do Quách Thanh Tùng (32 tuổi, phó ban đầu tư kiêm nhân viên thiết kế) đứng đầu. Nhà đầu tư sau khi nộp tiền sẽ được nhận hợp đồng ủy thác đầu tư do Minh ký. Tiền thu hàng ngày được các nhân viên của công ty mang về cho Minh.

Để thu hút người gửi tiền, Minh đã đưa ra mức lợi nhuận rất cao theo các gói sản phẩm gửi tiền, tùy thời hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 18 tháng, trung bình lợi nhuận là 3,5% - 4,5%/tháng (khoảng 54% một năm). Nhà đầu tư nhận tiền lãi theo đợt vào ngày ký hợp đồng hoặc ngày kết thúc hợp đồng.

Ngoài ra Minh còn tổ chức các sự kiện "tri ân khách hàng", hoạt động từ thiện rầm rộ nhằm quảng bá hình ảnh của công ty. Bị cáo đưa ra chính sách chi trả "hoa hồng" cao cho những người kết nối, dẫn khách đến gửi tiền từ 16% - 21,5%; nhận tiền ngay sau khi có nhà đầu tư ký hợp đồng và sau khi kết thúc hợp đồng.

Theo cơ quan công an, từ ngày 16/5/2014 đến 19/10/2015, 500 người đã ký kết hơn 2.100 hợp đồng ủy thác đầu tư, tổng số tiền huy động gần 1.200 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, Minh đưa những thông tin gian dối về hoạt động của công ty để lừa đảo khách hàng. Thực chất, Minh không góp vốn vào các nhà hàng, cửa hàng đồng hồ.

Sau khi huy động tiền của người dân, Minh mua ôtô Porsche Cayenne giá 3,7 tỷ đồng; mua ba chiếc đồng hồ thương hiệu nổi tiếng thế giới với tổng chi phí khoảng 5 tỷ đồng, cùng điện thoại di động Vertu Signatures Gold... Anh ta dùng tiền mua trả góp căn hộ tại chung cư Mipec giá 9 tỷ đồng, mua lại nhà 212 Nguyễn Trãi (địa chỉ kinh doanh karaoke KTV với giá 63 tỷ đồng và đã thanh toán 20 tỷ).

Minh tặng cấp dưới Vi Văn Toàn hai chiếc ôtô BMW tổng trị giá 6 tỷ đồng, cùng 5 tỷ đồng tiền mặt mua nhà; tặng Quách Thanh Tùng hai ôtô Toyota Fortuner và Minicooper (tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng).

Một phần nhỏ, Minh chi cho các nhà đầu tư lớn, nhân viên đi du lịch châu Âu (900 triệu đồng), tặng máy tính bảng, điện thoại iPhone (500 triệu đồng)...

Đến nay, cơ quan công tố mới làm rõ Minh đã chiếm đoạt của hơn 260 người, số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Nghe thuyết trình, hội thảo hoành tráng rồi rót tiền đầu tư

Tại tòa, một số nhà đầu tư cho hay, khi nghe Giang và Tùng vẽ ra bức tranh kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao nên đã tin tưởng. Có người còn "nghe thấy: công ty kinh doanh loại đồng hồ tiền tỷ, quán karaoke hạng sang...".

Bà Sục cho hay, đầu tư 1,2 tỷ đồng ký hợp đồng với Lương Ngọc Hoàng. Sau đó Hoàng đưa hợp đồng chỉ là 1 tỷ đồng và nói là Minh ký, bà không biết 200 triệu đồng "đi đâu". "Tôi đến dự hội thảo về đầu tư. Anh Hoàng nói dự án lợi nhuận tốt, hoạt động hiệu quả nên mới bán đất đầu tư", bà trình bày.

Còn bà Hà đã đầu tư 8,7 tỷ đồng vào công ty này, tuy nhiên bản thân bà không biết dự án của công ty như thế nào.

Có mặt tại tòa, hầu hết nạn nhân đều cho rằng không phải bị hại mà họ là "nhà đầu tư". Họ mong muốn các dự án "trong tương lai" của Trịnh Anh Minh được thực hiện để bị cáo có tiền trả cho mình.

Ông Cường một nhà đầu tư, góp 100 triệu đồng cho công ty trình bày: thấy tương lai dự án công nghệ của Minh nên đã đổ tiền vào. "Tôi mong dự án được triển khai", ông nói.

Nhà đầu tư tiếp tục được bị cáo hứa trả tiền

Trước tòa, bị cáo nói, ngày nay đang là một kỷ nguyên công nghệ nên đã cùng với đối tác xây dựng các dự án, trong đó kinh doanh đồng hồ, quán karaoke... là tiền đề. Bị cáo còn đầu tư vào dự án giải pháp công nghệ.

Bị cáo nói, dự án nhà hàng 36, kinh doanh chia lợi nhuận 50-50 và bản thân đã nhận được lợi tức. "Nhà hàng này đang hoạt động ổn định nhưng bây giờ thì ngừng hoạt động", Minh khai và cho rằng, nguyên nhân do cơ quan điều tra đi xác minh khiến đối tác sợ liên quan mà ngừng kinh doanh.

Minh cho rằng, các nhà đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật. Công ty luôn có phương án kinh doanh và có hiệu quả kinh tế cao. Minh tố bị "dụ dỗ" để khai ra việc lấy tiền người sau trả lãi cho người trước.

Bị cáo còn trình bày, khi nói về phương án kinh doanh khả thi, được nhiều người tin tưởng nên đã định triển khai trong tương lai. Việc bị bắt giữ khiến bị cáo "dang dở" nên mong muốn được "ra ngoài để thực hiện dự án, trả tiền cho các nhà đầu tư".

Thứ hai (12/11), phiên tòa tiếp tục.

Tin cùng chuyên mục