Việc tổ chức, sắp xếp lại các ban quản lý dự án tại TP.HCM phải đảm bảo các dự án được triển khai liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn. Ảnh: Lê Tiên |
Đây được xem là cuộc đại phẫu quy mô lớn nhất, toàn diện nhất với 44 ban QLDA của Thành phố. Trước thời điểm này, trả lời phỏng vấn của Báo Đấu thầu, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm khẳng định, việc sắp xếp lại các ban QLDA sẽ đảm bảo tính thông suốt của các dự án, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong QLDA.
Ông có thể chia sẻ sự cần thiết phải tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các ban QLDA của Thành phố?
Việc sắp xếp, tổ chức lại để hình thành các ban QLDA ĐTXD chuyên ngành và khu vực đủ điều kiện, năng lực hoạt động giúp UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, quản lý có hiệu quả các dự án ĐTXD trên địa bàn. Điều này cũng giúp UBND Thành phố có sự chỉ đạo thống nhất, có kế hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTXD. Bên cạnh đó, tổ chức sắp xếp lại bộ máy ban QLDA ĐTXD chuyên ngành và khu vực của Thành phố gọn, nhẹ, hiệu quả; xây dựng đội ngũ viên chức có tính chuyên nghiệp cao nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư đối với dự án.
Quan trọng hơn, việc sắp xếp này sẽ tạo cơ sở để xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, mối quan hệ, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban QLDA ĐTXD chuyên ngành, khu vực và các cơ quan chuyên môn khác. Đảm bảo được tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý dự án ĐTXD trên địa bàn Thành phố.
Việc sắp xếp phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù của Thành phố. Khi tiến hành sắp xếp, Thành phố nỗ lực đảm bảo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời xây dựng đội ngũ viên chức có tính chuyên nghiệp cao nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư đối với dự án.
Việc hình thành các ban QLDA ĐTXD chuyên ngành và khu vực đủ điều kiện và năng lực hoạt động sẽ giúp quản lý hiệu quả các dự án đầu tư, đảm bảo các dự án được triển khai liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp.
UBND Thành phố hoặc Chủ tịch UBND Thành phố theo thẩm quyền ban hành quyết định thành lập các ban QLDA chuyên ngành, khu vực trên cơ sở sáp nhập các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trên cơ sở đó, người đứng đầu các ban QLDA sẽ tiếp nhận nguyên trạng bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, dự án đầu tư… từ các cơ quan, đơn vị được sắp xếp, bàn giao, và lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại theo tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ mới.
Theo ông, ảnh hưởng của việc tổ chức, sắp xếp lại các ban QLDA đến công tác triển khai các dự án (về tiến độ, tổ chức thực hiện) sẽ như thế nào?
Đề án sắp xếp này đã xác định nguyên tắc là việc tổ chức, sắp xếp lại các ban QLDA phải đảm bảo các dự án được triển khai liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn. Vì vậy, có 3 tháng chuyển tiếp để bàn giao từ các cơ quan, đơn vị về các ban QLDA, và khi bàn giao xong phải bắt tay vào việc ngay theo nguyên tắc không làm gián đoạn tiến độ dự án.
Việc sắp xếp này có vấp phải khó khăn, rào cản nào không, thưa ông?
Tất nhiên là không thể tránh khỏi một số khó khăn nhất định khi sắp xếp lại toàn bộ các ban QLDA của Thành phố. Đầu tiên là về trụ sở làm việc. Trước đây, các ban QLDA cũ được bố trí trụ sở làm việc phù hợp với nhân sự hiện hữu. Việc tập trung nhân sự tại các ban QLDA chuyên ngành, khu vực đòi hỏi phải có trụ sở làm việc đủ diện tích phù hợp cho số nhân sự này nên khó khăn trong việc bố trí trụ sở làm việc.
Về nhân sự, khi sắp xếp lại các ban QLDA sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các ban. Vì vậy, cần có sự động viên, ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp. Bên cạnh đó, việc rà soát nhân sự thực hiện tinh giản biên chế theo diện dôi dư do sắp xếp, tổ chức tinh gọn lại bộ máy cũng rất khó khăn vì liên quan đến con người, nên cần làm tốt công tác tư tưởng.