Danapha mở rộng cơ hội đấu thầu thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc tập trung đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao với tiêu chuẩn PIC/s-GMP/Japan-GMP (tương đương EU-GMP) được đánh giá là bước đi chiến lược của Công ty CP Dược Danapha, hướng tới tham gia đấu thầu phân khúc thuốc đòi hỏi tiêu chuẩn cao và xuất khẩu.
Danapha mở rộng cơ hội đấu thầu thuốc

Lãi kỷ lục năm 2023

Sau mức lợi nhuận kỷ lục đạt được năm 2023, Danapha dự kiến doanh thu năm 2024 đạt 545 tỷ đồng, giảm 5,4% so với thực hiện năm ngoái; lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 77 tỷ đồng, giảm 19%. Danapha đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng do doanh thu xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình xung đột Nga - Ukraine. Đầu năm 2024, khách hàng tại các thị trường xuất khẩu chính đã gửi Công ty đề xuất giảm giá do gặp nhiều khó khăn về tài chính, chi phí vận chuyển tăng cao, công nợ khó đòi và chênh lệch tỷ giá. Danapha dự kiến doanh thu xuất khẩu năm 2024 giảm 31% so với năm 2023. Đối với kênh đấu thầu, bán lẻ và phân phối độc quyền, Danapha cho biết vẫn có tăng trưởng nhưng không đáng kể.

Được biết, thị trường xuất khẩu chính của Danapha là các nước Đông Âu. Sản phẩm của Danapha hiện có mặt tại trên 20 quốc gia như Nga, Ukraine, Uzbekistan, Bulgaria... và khu vực Đông Nam Á… Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt gần 8 triệu euro, đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh của Danapha.

Đầu năm 2023, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chính thức công nhận tiêu chuẩn kỹ thuật GMP - EU cho các dây chuyền thuốc viên, thuốc nước không vô trùng của Danapha. Hệ thống kinh doanh ETC (đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế) của Công ty đã triển khai đấu thầu tại nhóm 2 GMP-EU trên kênh đấu thầu thuốc quốc gia. Việc này giúp mở rộng nhóm sản phẩm kinh doanh, cũng như góp phần tăng trưởng doanh thu kênh ETC trong năm 2023. Nhờ đó, Danapha lãi kỷ lục 95 tỷ đồng trong năm 2023, tăng trưởng 48,5% so với năm 2022, doanh thu thuần bán hàng đạt 576 tỷ đồng, tăng trưởng 3,6%.

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, nhiều sản phẩm thuốc nhóm 2 của Danapha như Tadimax, Bài Thạch Danapha, Daquetin, Nufotin, Nedaryl 4… đã được cung cấp cho nhiều cơ sở y tế trên cả nước thông qua kênh đấu thầu tập trung.

Trong năm 2023, Công ty đã được cấp phép lưu hành 7 sản phẩm mới. Số lượng hồ sơ đăng ký sản phẩm mới đang đợi Cục Quản lý dược cấp phép là 30 sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm mới nộp hồ sơ năm 2023.

Kỳ vọng vào nhà máy 1.198 tỷ đồng

Không nằm ngoài xu hướng cạnh tranh các sản phẩm thuốc chất lượng cao, Danapha dồn lực đầu tư xây dựng nhà máy mới. Tiêu biểu là Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao quy mô 3 ha tại Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng. Nhà máy gồm các dây chuyền sản xuất thuốc uống dạng rắn (OSD) non-betalactam, thuốc nước non-betalactam với công nghệ hiện đại BFS… Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.198 tỷ đồng, gồm 2 phân kỳ. Trong đó, phân kỳ 1 có tổng giá trị đầu tư 475 tỷ đồng và 723 tỷ đồng cho phân kỳ 2.

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Danapha, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Nhà máy sản xuất dược phẩm OSD và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao đạt 589,1 tỷ đồng, tăng 237,4 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 45,5% cơ cấu tài sản của Công ty. Hiện hạng mục nhà xưởng sản xuất thuốc viên OSD (phân kỳ 1) đã hoàn thành, sẽ tiến hành chạy thử nghiệm từ tháng 5 đến tháng 6/2024. Cuối tháng 6/2024 sẽ mời Cục Quản lý dược thẩm định GMP-WHO để đưa vào sản xuất.

Đối với phân kỳ 2, các hạng mục nhà số 4 và 5 đã hoàn thiện cơ bản quá trình lắp đặt hệ thống. Hệ thống máy móc thiết bị sản xuất thuốc tiêm đã tập kết tại Nhà máy, đầu tháng 4/2024 bắt đầu quá trình lắp đặt.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Danapha ở mức 1.294 tỷ đồng với nợ phải trả ở mức 584,4 tỷ đồng. Phần lớn nợ phải trả của Danapha là khoản vay 205 tỷ đồng với Công ty Danhson - BG Ltd kỳ hạn 5 năm, lãi vay 3,5%/năm để tài trợ cho việc xây dựng nhà máy trên.

Tin cùng chuyên mục