Lượng truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tính đến hết quý I/2018 đạt gần 210 triệu lượt. Ảnh: Nhã Chi |
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng chiếm gần 60%
Việc thực hiện quyết liệt đẩy mạnh đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng là bước tiến vượt bậc trong cải cách hành chính phục vụ người dân và DN, từ đó giảm thời gian và chi phí cho DN, khuyến khích DN khởi nghiệp.
Số liệu thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký thành lập DN cho thấy, trong quý I/2018, tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng của cả nước tăng cao, đạt 58,01%, trong khi quý I/2017, tỷ lệ này là 31,7%. Hai địa phương có tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng tăng mạnh nhất là Hà Nội và TP.HCM. Nếu như quý I/2017, TP. Hà Nội có hơn 60% hồ sơ đăng ký DN qua mạng thì đến hết quý I/2018, con số này là 99,62%. Tỷ lệ này tại TP.HCM đạt gần 65% trong quý I/2018 (quý I/2017 là 42,29%).
“Số liệu về tỷ lệ đăng ký DN qua mạng điện tử đều đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử”, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hiện nay, người dân, DN ngày càng tiếp cận nhanh hơn với công nghệ và các dịch vụ công trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN để đăng ký thành lập DN thay vì phải đến tận nơi đăng ký như trước đây. Lợi thế này giúp DN dễ dàng tiếp cận, nắm bắt được thông tin và nhận kết quả hồ sơ qua mạng một cách nhanh chóng, đồng thời hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.
Bên cạnh đó, những thông tin đăng tải trên Cổng thông tin giúp các cơ quan, DN, người dân dễ dàng truy cập để có thông tin cụ thể về DN, tạo sự minh bạch và tăng cường giám sát của xã hội. Tính đến hết quý I/2018, số lượng truy cập trên Cổng thông tin đã đạt gần 210 triệu lượt.
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, những khởi sắc trong công tác đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay là một trong những minh chứng cho thấy hiệu quả tích cực của Luật DN và công cuộc cải cách môi trường kinh doanh nói chung, cải cách đăng ký kinh doanh nói riêng đối với sự phát triển của cộng đồng DN.
Trên thực tế, hiện chi phí gia nhập thị trường của DN tiếp tục được cắt giảm. Theo quy định tại Thông tư số 130/2017/TT-BTC có hiệu lực mới đây, lệ phí đăng ký DN đã được giảm 50% so với quy định trước đây và miễn 100% nếu DN đăng ký qua mạng điện tử. Hơn nữa, kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI 2017) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố vừa qua chỉ rõ, chỉ số thành phần Gia nhập thị trường năm 2017 tiếp tục được đánh giá và xếp hạng cao nhất liên tục trong 12 năm trở lại đây. Những kết quả này cho thấy các địa phương liên tiếp có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường cho DN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở cấp địa phương.
Tuy nhiên, bà Minh cho rằng, thời gian qua, mặc dù thể chế, khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh nói chung từng bước được hoàn thiện, nhưng những cải cách đó có đi vào cuộc sống hay không lại phụ thuộc phần lớn vào những con người thực hiện. Bởi lẽ, trên thực tế, hoạt động cải cách đăng ký kinh doanh vẫn còn một số thách thức, nổi cộm là tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận cán bộ công chức. Qua phản ánh vẫn còn hiện tượng cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh sách nhiễu DN, ngại ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới công tác đăng ký kinh doanh.
Do vậy, hướng đến nền hành chính phục vụ, đem đến sự hài lòng cho tổ chức, DN trong thực hiện các thủ tục đăng ký DN, cán bộ phụ trách công tác đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư ở các địa phương cần thực thi tốt chức trách của mình. Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ trong việc rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh đội ngũ cán bộ địa phương đồng hành cùng DN.