Đánh thuế nhà ở thứ hai trở lên: Lo ngại BĐS giảm sức mua

(BĐT) - Mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản (BĐS) lãng phí. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo ngại việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên sẽ tác động xấu tới thị trường BĐS.
Việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nhà cho thuê. Ảnh: Nhã Chi
Việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nhà cho thuê. Ảnh: Nhã Chi

Đánh thuế nhà thứ hai trở lên: Nhiều ý kiến trái chiều

Tại Hội thảo “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2” diễn ra ngày 7/9, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp cho biết cảm thấy “lấy làm tiếc” khi 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản BĐS.

Theo ông Phụng, hiện hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng thuế đánh vào tài sản BĐS, trong khi đó, ở Việt Nam chưa có. Về lâu dài cần có một đạo luật để thực hiện vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được.

Ông Phụng cũng cho hay, xuất phát từ thực tiễn, dư luận có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng cần phải đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc. Chính vì điều đó, Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia để nghiên cứu vấn đề này.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc cần thiết đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên vì đất là sở hữu toàn dân nên chuyện chống đầu cơ, không khuyến khích một người sở hữu nhiều đất là hợp lý.

Theo ông Phấn, hiện Nhà nước đang đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng mới đánh thuế vào đất chứ chưa đánh thuế vào nhà. Ngoài ra, mức thuế đang áp dụng chỉ là 0,03%, chưa đủ để người sử dụng đất sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả và chưa chống được đầu cơ. Trong khi mức thuế của nhiều nước trên thế giới cao hơn nhiều. Ví dụ như Hàn Quốc cao gấp 3 lần Việt Nam.

Tuy nhiên, tham gia trao đổi về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng, việc đánh thuế vào nhà ở thứ 2 trở lên không hợp lý bởi sẽ có tác động xấu đến thị trường BĐS. Ông Võ nêu đề xuất, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi vì “chả ai dại gì đầu tư xịn để chịu thuế cao hơn”. 

Lo ngại bất động sản giảm sức mua

Dư luận có nhiều quan điểm trái chiều về việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên. Có ý kiến cho rằng cần phải đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc.
Là đại diện một đơn vị nghiên cứu và tư vấn thị trường BĐS toàn cầu, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, việc đánh thuế với BĐS thứ hai trở lên đã có nhiều bài học từ các nước. “Chúng tôi cho rằng cần phải cẩn trọng với trường hợp của Việt Nam”, Giám đốc Savills Hà Nội nhấn mạnh.

Trước hết, theo ông Matthew Powell, chúng ta cần hiểu mục đích đánh thuế BĐS thứ hai trở lên là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế để cân bằng. Trong khi đó, tại Việt Nam, thị trường BĐS đang phát triển lành mạnh. Qua nghiên cứu cho thấy, việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Việc đánh thuế BĐS thứ hai trở lên sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường.

Một góc độ khác, nguồn cầu của người nước ngoài hiện chưa cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhiều, nên theo ông Matthew Powell đây là thời điểm cần khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt sau luật mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường BĐS. Chính vì vậy, ở góc độ doanh nghiệp, ông Matthew Powell cho rằng không nên đưa thêm những chính sách mang tính thắt chặt, giảm sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài với bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng đồng quan điểm khi cho rằng thị trường BĐS đang rất ổn định, vì mới hồi phục nên rất nhạy cảm với chính sách. Do vậy, những sắc thuế và phí gì đưa ra trong thời điểm này đều phải rất thận trọng. Nếu đánh thuế cao, nguồn cung sẽ giảm đi.

Từ góc độ doanh nghiệp BĐS, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nêu quan điểm: Việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên không làm được tại Việt Nam. “Nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên sẽ giết chết thị trường nhà cho thuê, vì người mua nhà thứ 2 trở lên bị đánh thuế thì người ở nhà thuê sẽ phải chịu phần tăng giá, như vậy sẽ rất khó khăn với người thuê nhà ở, bởi những người thuê nhà thường là người có thu nhập thấp”, ông Hải nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hải, việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 trở lên đã áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên họ là những nước có thị trường BĐS minh bạch, có hệ thống quản lý dữ liệu chặt chẽ. Còn tại Việt Nam, hiện nay hệ thống dữ liệu thông tin liên thông chưa được kết nối hoàn chỉnh giữa các địa phương và trên toàn quốc. “Vậy làm thế nào để chúng ta có thể xác định được ai sở hữu nhà ở thứ 2 trở lên để đánh thuế? Có nên chăng việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên cần có lộ trình áp dụng sau khi đã hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống dữ liệu liên thông toàn quốc?”, ông Hải nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục