Lô đất tại số 5 - 7 Đào Duy Anh được coi là “mảnh đất vàng” duy nhất còn lại của 4 quận nội thành Hà Nội. Ảnh: Phương Diệp |
Cuộc chạy đua của các “đại gia”
Phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Công ty CP Du lịch Kim Liên (KLC) đã diễn ra thành công và đầy bất ngờ với các nhà đầu tư tới tham dự buổi đấu giá. Đa số nhà đầu tư cho biết là họ không nghĩ mức giá lại lên đến cả nghìn tỷ, bởi với giá ban đầu là 112 tỷ đồng, mức giá dự kiến sau phiên đấu chỉ dao động trong khoảng 200 tỷ đồng.
Trước đó, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, có 19 nhà đầu tư tổ chức và 17 nhà đầu tư cá nhân đăng ký tham gia đấu giá. Tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký tham gia lên đến 131,1 triệu cổ phiếu, gấp hơn 36 lần khối lượng chào bán là 3,6 triệu cổ phiếu. Đây được cho là cuộc đấu giá lập kỷ lục khối lượng đặt mua từ trước tới nay.
Thực tế, cuộc chạy đua sở hữu Khách sạn Kim Liên đã trở thành chủ đề “nóng” trong nhiều tháng gần đây. Trước đó, vào đầu tháng 11, khi SCIC thông báo sẽ bán trọn lô 3,6 triệu cổ phiếu, chiếm 52,4% vốn cổ phần của KLC với giá khởi điểm là 30.600 đồng/cổ phiếu, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt dành cho dự án này. Và vào những ngày cận kề thời điểm đấu giá, danh tính của 9 nhà đầu tư cá nhân đã lộ diện khi họ bày tỏ sẵn sàng chi hơn 100 tỷ đồng để mua lại 52,4% vốn của KLC.
Lộ diện đại gia “trả giá đắt” cho Khách sạn Kim Liên
Tuy nhiên, sức nóng của cuộc chạy đua ngày càng thêm gay cấn khi trong danh sách nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần Khách sạn Kim Liên xuất hiện hàng loạt đại gia có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng như: Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Cơ điện lạnh (REE), ThaiGroup, Tập đoàn Xây dựng miền Trung, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI)…
Lý giải sức hút của cuộc đấu giá này, đại diện Công ty CP Chứng khoán Phố Wall cho biết, điểm thu hút lớn nhất của KLC đối với các nhà đầu tư chính là việc quản lý và sử dụng lô đất với diện tích lên tới 3,5 ha tại số 5 - 7 Đào Duy Anh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Đây được coi là “mảnh đất vàng” duy nhất còn sót lại của 4 quận nội thành Hà Nội. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản lại dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho phiên đấu giá KLC.
Ai đủ tiền mua Khách sạn Kim Liên?
Đến thời điểm này, danh tính của đơn vị đã mua lại 52,4% vốn của KLC vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, với số tiền bỏ ra không nhỏ, lên tới cả ngàn tỷ đồng, giới đầu tư cho rằng, đơn vị trúng đấu giá phải là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.
Thực tế, trong danh sách các nhà đầu tư tham gia đấu giá, chỉ có 12 doanh nghiệp có tổng tài sản trên 1.000 tỷ đồng, bao gồm: REE có tổng tài sản lớn nhất, hơn 9.090 tỷ đồng; tiếp đó là ThaiGroup (5.659 tỷ đồng), PTI (4.063 tỷ đồng), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (3.280,6 tỷ đồng). Các đơn vị khác là Cường Thịnh Thi, Xây dựng miền Trung, Xây lắp điện 1 (PCC1), Văn Phú Invest có vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng; GP Invest có vốn điều lệ 1.126 tỷ đồng… Đây đều là những doanh nghiệp tên tuổi, đang tham gia đầu tư trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài chính, du lịch… Vì điều này mà giới đầu tư đang không khỏi tò mò về danh tính của nhà đầu tư đã “thâu tóm” Khách sạn Kim Liên.
Do thực hiện đấu giá trọn lô nên toàn bộ 52,4% vốn cổ phần của KLC sẽ về tay nhà đầu tư đã đưa ra mức giá cao nhất. Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thì nhà đầu tư trúng giá là một tổ chức. Với kết quả đấu giá đã công khai, SCIC sẽ thu về 1.000,125 tỷ đồng từ nhà đầu tư này.