Dự án khu phức hợp thương mại mà Quốc Cường Gia Lai thâu tóm nằm ở vị trí đắc địa của TP. Đà Nẵng. Ảnh: Huy Hùng |
Nhà Hoàng Anh là công ty con của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Giá trị thương vụ đạt 419 tỷ đồng và số tiền đã được chuyển nhượng đủ vào ngày 17/3/2016.
Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016, nhà đầu tư hy vọng có thể dõi theo thương vụ này trong báo cáo của Công ty. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn tương đối mịt mù. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: QCG mua tài sản từ HAGL với vai trò bất động sản hàng hóa, hoặc với vai trò là bất động sản đầu tư. Bài viết sau đây của Báo Đấu thầu sẽ phân tích theo 2 giả thiết như vậy.
Tài sản được coi là bất động sản hàng hóa
Trong trường hợp này, dòng tiền hoạt động kinh doanh của QCG sẽ bị hao hụt một khoản 419 tỷ đồng, tất nhiên được bù lại bởi các hoạt động có dòng tiền dương khác. Việc này, vì vậy không dễ để kiểm tra trên bảng lưu chuyển dòng tiền của QCG.
Là hàng hóa, hoặc là QCG sẽ mua về ghi nhận hàng tồn kho, hoặc bán đi để ghi nhận doanh thu. Trường hợp bán để ghi nhận doanh thu có thể loại bỏ ngay khi doanh thu bán hàng của Quốc Cường Gia Lai 3 tháng đầu năm chỉ ở mức 83 tỷ đồng. Ngoài ra, quan sát cơ cấu hàng tồn kho cuối quý được công ty chỉ ra khá chi tiết, chúng tôi không thấy dấu hiệu của tài sản mà QCG vừa mua.
Cụ thể, khoản mục bất động sản dở dang cuối quý I/2016 của QCG tăng 293 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở Dự án Khu dân cư Phước Kiển. Đây là dự án gắn liền với tên tuổi của Quốc Cường Gia Lai, đã nằm yên trên giấy suốt một thời gian dài, tính bằng năm. Đây vẫn là dự án mà Quốc Cường Gia Lai kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận khủng trong tương lai.
Báo cáo quý I của Quốc Cường Gia Lai vì vậy không thể hiện dự án đất vàng, mà công ty này mua từ HAGL, là bất động sản hàng hóa.
Tài sản được coi là bất động sản đầu tư
Tuy nhiên, dòng tiền được ghi nhận trong báo cáo của QCG chỉ vỏn vẹn âm 119 tỷ đồng, rất thấp so với số tiền công ty phải bỏ ra cho tài sản mua về từ HGL.
Cuối năm 2015, số dư tiền và các tài sản tương đương tiền của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn hơn 17 tỷ đồng. Vì vậy, nếu không có dòng tiền bất thường nào từ các hoạt động, Quốc Cường Gia Lai buộc phải vay tiền để thực hiện thương vụ 419 tỷ đồng với HAGL. Số dư vay ngắn và dài hạn của QCG cuối quý I đạt 2.291 tỷ đồng, tăng 343 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Có thể hiểu số tiền vay thêm nói trên của công ty đã được dùng vào việc tài trợ cho thương vụ với HAGL.
Nhiều dấu hỏi
Vẫn còn những dấu hỏi về tài sản mà Quốc Cường Gia Lai đã mua về, đồng thời lý do công ty này, vốn đang thiếu tiền, lại chịu chi đến vậy đối với một dự án trước đến nay vẫn chưa được QCG nhắc đến.
Một điểm quan trọng trong báo cáo của Quốc Cường Gia Lai chính là khoản mục Phải trả bên thứ ba tăng 560 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 730 tỷ đồng. Trên báo cáo của riêng công ty mẹ, cũng khoản mục này, mức tăng là 433 tỷ đồng, gần sát hơn với giá trị thương vụ với HAGL. Như vậy, không ngoại trừ trường hợp Quốc Cường Gia Lai đã mua tài sản nói trên từ HAGL và chuyển nhượng cho một bên thứ 3. Tức là có thể Quốc Cường Gia Lai chỉ đóng vai trò trung gian, nhận chuyển nhượng tài sản cho một đối tác nào đó. Tuy nhiên, cần những thông tin chi tiết từ Quốc Cường Gia Lai, giả định này mới được khẳng định.