Một số dự án chuyên ngành, xã hội hóa như y tế, giáo dục, môi trường… được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng khó triển khai vì thiếu hướng dẫn chi tiết. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực XHH, hoàn thành trong quý II năm 2022. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, đến nay, chưa có hướng dẫn đối với nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường… gây khó khăn cho các cơ quan khi triển khai thực hiện.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2023, Lạng Sơn phát sinh vướng mắc về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, XHH, ví dụ dự án xử lý rác thải, chợ. UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, dù ngày 17/8/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành Văn bản số 6791/BKHĐT-QLĐT, trong đó hướng dẫn quy trình đối với các dự án chưa có văn bản hướng dẫn của các bộ quản lý ngành, nhưng vẫn có một số nội dung vướng mắc chưa được giải quyết. Vướng mắc chính là chưa có tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành, XHH do các bộ quản lý chuyên ngành chưa ban hành hướng dẫn cụ thể. Trường hợp áp dụng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ không phù hợp, rất khó xây dựng tiêu chí.
Tương tự, mong muốn huy động vốn tư nhân cho một số dự án trong lĩnh vực giáo dục, nhưng tỉnh Tây Ninh có nhiều lúng túng. UBND tỉnh Tây Ninh chỉ ra, theo quy định của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, khi có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực XHH thì thực hiện chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu để lựa chọn dự án đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật chuyên ngành XHH giáo dục đào tạo thì chưa có văn bản hướng dẫn của bộ quản lý ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tỉnh này kiến nghị cần ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án XHH trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nhằm bảo đảm điều kiện cơ sở pháp lý chuyên ngành để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Nhiều địa phương mong sớm có đầy đủ hướng dẫn chi tiết của các bộ, ngành đối với lựa chọn nhà đầu tư dự án chuyên ngành, xã hội hóa để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn tư nhân. Ảnh: Nhã Chi |
Tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong năm qua, còn nhiều dự án lĩnh vực XHH, dự án chuyên ngành (như xử lý rác thải, cấp nước sinh hoạt...) được nhà đầu tư quan tâm, cần lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai do các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đắk Nông cũng nhận định, mặc dù Bộ KH&ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH tại địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền thẩm định, quyết định các nội dung trong lựa chọn nhà đầu tư. Việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án trong lĩnh vực chuyên ngành phải vận dụng các quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT mà không có quy định cụ thể, gây nhiều khó khăn trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu.
Nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sớm ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các nội dung khác (nếu có), bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021. Trường hợp chưa ban hành quy định trên, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương triển khai.