Ảnh Internet |
Tuy nhiên, có một sự trùng hợp khá bất ngờ là Công ty CP Thương mại và Tư vấn Tân Cơ đã trúng tới 5 trong số 10 gói thầu trên và chủng loại ray P50 mà công ty này cung cấp đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, mặc dù hợp đồng thực hiện 10 gói thầu trên thuộc Dự án Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2016 đã hoàn thành, nhưng hiện chỉ có 2 kết quả lựa chọn nhà thầu được công khai. Cụ thể, Công ty CP Thương mại và Tư vấn Tân Cơ đã trúng Gói thầu Cung cấp ray P50 dài 25m và phụ kiện nối giữ đồng bộ (số lượng 160 thanh) do Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên mời thầu, với giá trúng thầu gần 4.975 triệu đồng (giá gói thầu gần 5.783 triệu đồng).
Nhà thầu Tân Cơ cũng trúng Gói thầu Cung cấp ray P50 do Công ty CP Đường sắt Yên Lào mời thầu, với giá trúng thầu gần 4.605 triệu đồng (giá gói thầu hơn 4.930 triệu đồng).
Công ty CP Thương mại và Tư vấn Tân Cơ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, có địa chỉ tại số 92 phố Yết Kiêu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ đấu thầu của Công ty CP Thương mại và Tư vấn Tân Cơ khẳng định công ty đã trúng 5 gói thầu mua sắm ray P50 của Trung Quốc (mặc dù kết quả lựa chọn nhà thầu của 3 gói thầu do công ty này trúng thầu vẫn chưa được các bên mời thầu công khai). Một cán bộ của Nhà thầu Tân Cơ cho biết, đề bài yêu cầu là hàng hóa nhập khẩu chứ không cấm hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, miễn sao đáp ứng tiêu chí về mặt kỹ thuật là được. Còn việc vì sao cùng một mặt hàng ray P50 của Trung Quốc nhưng giá trúng thầu của nhà thầu này ở các gói thầu lại khác nhau thì vị cán bộ này giải thích với phóng viên rằng, sự khác biệt là do giá cả thị trường từng giai đoạn khác nhau. Hơn nữa, trong mỗi gói thầu, nhà thầu đều có những “chiến lược” về giá dự thầu khác nhau để trúng thầu, điều này còn tùy thuộc vào số lượng các đối thủ tham gia khác trong mỗi cuộc thầu.