Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (thứ 2 từ bên phải), chủ trì Phiên thảo luận 2 tại Diễn đàn Đấu thầu qua mạng 2018 |
Đó là những vấn đề được các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế, cộng đồng nhà thầu quan tâm, bàn luận sôi nổi tại Diễn đàn ĐTQM Việt Nam 2018 sáng ngày 8/8/2018 tại Hà Nội.
Hạn chế tiêu cực trong đấu thầu
Phát biểu khai mạc Diễn đàn ĐTQM lần đầu tiên được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng khẳng định, ĐTQM là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính. Thời gian qua, ĐTQM ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tính từ thời điểm thử nghiệm (năm 2009) đến nay, đã có tổng cộng gần 23.000 gói thầu áp dụng ĐTQM. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 9.000 gói thầu được ĐTQM, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có những gói thầu quy mô lớn, giá trị lên tới gần 200 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm bình quân của ĐTQM đạt 9%, trong khi đấu thầu truyền thống đạt khoảng 7%. Thông qua ĐTQM, các quy trình được điện tử hóa, tài liệu được mẫu hóa, công tác đấu thầu trở nên đơn giản, nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn. Đây là công cụ hiệu quả giúp loại bỏ các tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiết giảm mạnh mẽ chi phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước, mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian qua, EVN đã áp dụng ĐTQM rất nhiều gói thầu và thấy rõ hiệu quả của cách thức đấu thầu này. Đáng chú ý, mức tiết kiệm thông qua ĐTQM trung bình đạt trên 13%. Mặc dù Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện còn một số điểm chưa hoàn thiện, nhưng phải nói lợi ích từ ĐTQM là rất lớn. Cả 4 mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả đều đạt được khi chúng ta thực hiện ĐTQM. Theo bà Hà, vấn đề lớn nhất hiện nay của ĐTQM là thay đổi thói quen của các chủ đầu tư/bên mời thầu và cả nhà thầu.
Sẽ công khai những bộ, ngành, địa phương không thực hiện ĐTQM
Theo ông Adu-Gyamfi Abunyewa, chuyên gia cấp cao về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới, nếu biết cách tham gia ĐTQM, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được các cơ hội kinh doanh và phát triển. Thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, “sàng lọc” để biết gói thầu nào thích hợp với mình và lựa chọn tham gia đấu thầu.
Còn ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho rằng, đấu thầu truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ phát sinh tiêu cực. Đà Nẵng là đơn vị đi đầu trong ĐTQM vì địa phương này nhận thức rõ hiệu quả của ĐTQM mang lại. Thời gian qua, Đà Nẵng đã tích cực đẩy mạnh áp dụng ĐTQM và tiết kiệm được từ 10-15% so với tổng giá gói thầu thực hiện ĐTQM.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, ĐTQM có nhiều lợi ích, nhưng nhiều cơ quan vẫn không triển khai. Sắp tới, danh sách các địa phương, đơn vị chỉ định thầu nhiều, không thực hiện ĐTQM sẽ được công khai rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các cơ quan liên quan, cộng đồng xã hội biết và tăng cường giám sát.
“Sự thành công của ĐTQM không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi mà còn phụ thuộc rất nhiều bên tham gia. Với trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, chúng tôi sẽ nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, lựa chọn nhà đầu tư tốt để cùng xây dựng, phát triển Hệ thống nhằm đáp ứng tốt nhất cho người dùng trong khả năng có thể, qua đó thúc đẩy áp dụng ĐTQM thời gian tới”, ông Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh.