Chiêu trượt thầu có chủ đích?

(BĐT) - Nhà thầu Công ty CP Xây lắp và Công nghiệp thực phẩm đã bị loại ở bước đánh giá sơ bộ vì nhà thầu đề xuất tiến độ thi công hoàn thành công trình tận 18 tháng, lớn hơn thời gian cho phép tối đa là 6 tháng (hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu tối đa là 365 ngày (12 tháng)). 
Nếu không rơi vào trường hợp vì sơ suất mà HSDT bị loại thì câu hỏi đặt ra là động cơ tham dự thầu của nhà thầu là gì? Ảnh: Lê Tiên
Nếu không rơi vào trường hợp vì sơ suất mà HSDT bị loại thì câu hỏi đặt ra là động cơ tham dự thầu của nhà thầu là gì? Ảnh: Lê Tiên

Điều này đang dấy lên nghi ngại rằng, liệu đây có phải là chiêu trò để trượt thầu có chủ đích của các nhà thầu khi mà tại Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung, Công ty CP Xây lắp và Công nghiệp thực phẩm không phải là nhà thầu duy nhất bị loại ở bước đánh giá sơ bộ vì có đề xuất “ngây thơ” này.  

Ban QLDA Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung, tỉnh Bình Thuận (Bên mời thầu) vừa thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03: Xây dựng và lắp đặt cho toàn bộ Dự án thành phần Nâng cấp, kiên cố hóa kênh cấp I Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Dự án thành phần này thuộc Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung số 3173-VIE ký ngày 23/1/2015 giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam.

Theo Quyết định phê duyệt số 690/QĐ-SNN ngày 1/6/2016 của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, nhà thầu trúng thầu Gói thầu số 03 nêu trên là Liên danh Công ty CP Xây dựng Minh Anh và Công ty TNHH An Hòa, giá trúng thầu (đã bao gồm dự phòng) gần 39.912 triệu đồng, loại hợp đồng theo đơn giá cố định, thời gian thực hiện hợp đồng là 360 ngày (HSMT yêu cầu thời gian thi công hoàn thành công trình tối đa là 365 ngày).

Bên mời thầu cho biết, có 4 nhà thầu nộp HSDT Gói thầu số 03 nói trên, gồm: Công ty CP Xây dựng và Phát triển kinh doanh; Công ty CP Xây lắp và Công nghiệp thực phẩm; Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đại An - Công ty CP Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thủy lợi số 12 và Liên danh Công ty CP Xây dựng Minh Anh - Công ty TNHH An Hòa. Giá dự thầu của 4 nhà thầu trên tại Lễ mở thầu lần lượt gần 47.350 triệu đồng, hơn 47.408 triệu đồng, hơn 46.780 triệu đồng và 39.696 triệu đồng.

Tuy nhiên, ở bước đánh giá sơ bộ, Bên mời thầu đã loại nhà thầu Công ty CP Xây lắp và Công nghiệp thực phẩm vì nhà thầu này đề xuất tiến độ thi công hoàn thành công trình là 18 tháng, lớn hơn thời gian yêu cầu tối đa của HSMT là 365 ngày (12 tháng).

Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, nếu không rơi vào trường hợp vì sơ suất mà HSDT bị loại thì câu hỏi đặt ra là động cơ tham dự thầu của nhà thầu là gì? Vậy ai, nguồn lực nào chi trả cho thời gian, công sức, tiền bạc mà nhà thầu đã phải bỏ ra khi tham gia đấu thầu và đạt được mục đích “trượt thầu”?
Như Báo Đấu thầu đã đăng tải bài viết “Nghi vấn nhà thầu cố tình trượt thầu” trên số báo phát hành ngày 13/6/2016, tại Gói thầu số 04: Xây dựng toàn bộ Dự án thành phần Nâng cấp hồ chứa nước Đu Đủ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thuộc Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai cũng bị bên mời thầu là Ban QLDA Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - Khoản vay bổ sung, tỉnh Bình Thuận loại hồ sơ dự thầu (HSDT) ở bước đánh giá sơ bộ do nhà thầu này đề xuất tiến độ thi công hoàn thành công trình là 420 ngày, lớn hơn yêu cầu của HSMT là 365 ngày và thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu của nhà thầu này là 150 ngày, ít hơn yêu cầu của HSMT là 180 ngày.

Như vậy, tại Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, sử dụng vốn vay của ADB do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần này, đã có ít nhất 2 nhà thầu bị loại ở bước đánh giá sơ bộ với điểm chung là đều đề xuất kéo dài tiến độ thi công hoàn thành công trình – một trong những điều “tối kỵ” theo quy định của các nhà tài trợ.

Trao đổi câu chuyện trên với một số chuyên gia về đấu thầu, nhận xét chung về những nhà thầu có “đề xuất đặc biệt” là “ngây thơ”, “ngô nghê”, “sơ suất chết người”, “quá ẩu”, nếu không thì là “cố tình” và “có chủ đích” bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, yêu cầu của HSMT là bằng con số, rất rõ ràng và cụ thể, khó mà có thể hiểu khác đi được. Sẽ rất khó biện minh và lý giải cho việc vì sao nhà thầu lại có thể đưa ra đề xuất một con số lớn hơn nhiều so với yêu cầu của HSMT về thời gian tối đa để hoàn thành công trình. Hơn nữa, đấu thầu là quá trình tìm kiếm, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để đáp ứng tốt nhất HSMT – bài thi, nhằm đẩy nhanh tiến độ và thi công công trình đảm bảo chất lượng. Việc nhà thầu đề xuất kéo dài tiến độ hoàn thành công trình là đi ngược lại những mục đích của đấu thầu, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn vay của nhà tài trợ. Theo quy định của ADB, chỉ cần nhà thầu đề xuất thời gian thi công hoàn thành công trình vượt quá thời gian tối đa cho phép thì sẽ bị loại ngay.

Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, nếu không rơi vào trường hợp vì sơ suất mà HSDT bị loại thì câu hỏi đặt ra là động cơ tham dự thầu của nhà thầu là gì? Vậy ai, nguồn lực nào chi trả cho thời gian, công sức, tiền bạc mà nhà thầu đã phải bỏ ra khi tham gia đấu thầu và đạt được mục đích “trượt thầu”?

Tin cùng chuyên mục