Thị trường chứng khoán suy yếu khiến không ít doanh nghiệp lỗ lớn từ hoạt động đầu tư cổ phiếu. Ảnh: Nhã Chi |
Nếu như 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) mang về cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng hơn 234 tỷ đồng thì nửa đầu năm nay hoạt động cốt lõi này gần như không mang lại doanh thu. Thay vào đó nguồn thu duy nhất của Công ty lại đến từ hoạt động tài chính đạt 33,1 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí từ lĩnh vực này lại lên đến hơn 121,4 tỷ đồng, là nguyên nhân chính khiến Nhà Đà Nẵng lỗ tới 90,8 tỷ đồng.
Cụ thể, Nhà Đà Nẵng ghi nhận khoản lỗ đầu tư chứng khoán gần 53,3 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 84 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2022, Công ty đã rót hơn 310,6 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán với các khoản đầu tư lớn vào cổ phiếu SHB của Ngân hàng SHB (hơn 124 tỷ đồng), cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes (88,77 tỷ đồng), cổ phiếu TCB của Ngân hàng Techcombank (gần 59,2 tỷ đồng). Giá trị của các cổ phiếu SHB, VHM và TCB tại cùng thời điểm đã sụt giảm lần lượt 37%, 20% và 31% khiến Công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này.
Một doanh nghiệp BĐS khác là Công ty CP Licogi 14 báo lỗ trước thuế tới 226,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Công ty phải chịu khoản chi phí tài chính lên tới 418,4 tỷ đồng, chủ yếu là khoản trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên tới 379,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2022, khoản mục chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 đạt 688,5 tỷ đồng (chiếm 86,8% tổng tài sản), tăng 41,6% so với thời điểm đầu năm.
Không bị thua lỗ như hai doanh nghiệp trên, nhưng các khoản lỗ chứng khoán và trích lập dự phòng đầu tư đã “ăn mòn” lợi nhuận của Công ty CP Hóa An, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh đá xây dựng. Cụ thể, trong quý II/2022, Hóa An ghi nhận doanh thu thuần đạt 95.6 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (26,7 tỷ đồng).
Ngoài biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh chính thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả kinh doanh kém tích cực của Hóa An còn đến từ khoản đầu tư chứng khoán. Cụ thể tính đến cuối quý II/2022, Hóa An sở hữu 2,54 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá hơn 30.770 đồng/CP. Công ty đã phải trích lập dự phòng giảm giá cho cổ phiếu HPG 20 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hóa An ghi nhận 179 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và 26,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng 7,5% và giảm 46% so với cùng kỳ năm 2021.
Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng chịu thiệt hại do biến động của thị trường chứng khoán. Trong nửa đầu năm nay, Công ty trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư chứng khoán gần 63 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu của Vĩnh Hoàn gồm NLG của Công ty CP Đầu tư Nam Long, DXS của Công ty CP Dịch vụ BĐS Đất Xanh, KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và một số cổ phiếu khác với giá gốc gần 200 tỷ đồng. Nhờ hoạt động xuất khẩu cá tra thuận lợi, Vĩnh Hoàn vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2022 gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.542 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán không thuận lợi cũng khiến nhiều công ty trong ngành thua lỗ trong quý II/2022 vừa qua. Đơn cử như Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương lỗ tới 442 tỷ đồng, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội lỗ 372 tỷ đồng, Công ty TNHH Chứng khoán ACB lỗ 198 tỷ đồng,…