Đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị: Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm giảm gánh nặng về thủ tục cho nhà đầu tư, từ ngày 1/3/2022, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua) có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và khu đô thị quy mô dân số dưới 50.000 người được phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh.
Từ ngày 1/3, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và khu đô thị quy mô dân số dưới 50.000 người được phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Từ ngày 1/3, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và khu đô thị quy mô dân số dưới 50.000 người được phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Ngày 11/1/2022, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2022. Tại Điều 3 của Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2020. Theo đó, quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Đối với các dự án có quy mô sử dụng đất hoặc quy mô dân số thấp hơn so với đô thị loại IV (tương ứng quy mô sử dụng đất dưới 300 ha hoặc quy mô dân số dưới 50.000 người) thì phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định đầy đủ, chặt chẽ nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị, bao gồm đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nhu cầu sử dụng đất; sơ bộ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Phần lớn các nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị, bao gồm cả chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đều thuộc thẩm quyền xem xét của Hội đồng nhân dân và UBND cấp tỉnh. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương thì UBND thành phố phải gửi lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về nội dung chương trình trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Việc phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị ở địa phương vẫn có thể được định hướng và kiểm soát trên cơ sở xây dựng và thực thi hiệu quả quy hoạch và cơ chế thẩm định nêu trên. Việc lựa chọn quy mô sử dụng đất là 300 ha là lấy theo mức trung bình quy mô sử dụng đất của khu vực dự án được dự kiến hình thành khu đô thị loại IV (từ 250 - 300 ha).

Theo ý kiến của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở có quy mô dân số tương đương đô thị loại III trở lên, bởi vì các dự án nêu trên có yêu cầu cao về đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; sử dụng nguồn lực lớn về đất đai; triển khai trong thời gian dài; tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và tạo dựng không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị tại các địa phương. Do vậy, cần quản lý và kiểm soát chặt chẽ đối với dự án này. Bộ Xây dựng đồng tình phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị cấp IV.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Hải Phòng… cũng từng đề xuất sửa đổi Điểm g Khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư theo hướng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia đầu tư, việc phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh vừa phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý cho địa phương; đồng thời giảm gánh nặng về thủ tục cho nhà đầu tư. Nhất là các dự án quy mô nhỏ liên quan đến việc bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (đã có sự kiểm soát bởi các quy định của Luật Di sản văn hóa). Tuy nhiên, việc phân quyền, phân cấp cho địa phương cần có các quy định chặt chẽ để đảm bảo tính giám sát, tránh lạm dụng việc phân cấp.

Tin cùng chuyên mục