Năm 2018, cả nước có 32.949 dự án sử dụng vốn nhà nước khởi công mới, chiếm 58,2% số dự án thực hiện đầu tư. Ảnh: Nhã Chi |
Dự án khởi công mới chiếm tỷ lệ áp đảo
Tổng hợp từ số liệu báo cáo của 105 cơ quan trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Bộ KH&ĐT cho biết, trong năm 2018 có 56.567 dự án thực hiện đầu tư (năm 2017 có 51.947 dự án, năm 2016 có 45.147 dự án, năm 2015 có 29.506 dự án). Trong đó có 23.618 dự án chuyển tiếp, chiếm 41,8%; 32.949 dự án khởi công mới, chiếm 58,2%. Trong số các dự án khởi công mới có 16 dự án nhóm A, 601 dự án nhóm B và 32.332 dự án nhóm C.
Nhiều cơ quan có số dự án khởi công mới chiếm tỷ lệ áp đảo trong số dự án thực hiện, như: Khánh Hòa có 1.114 dự án khởi công mới, chiếm 77,8% số dự án thực hiện; Bắc Giang có 1.244 dự án khởi công mới, chiếm 75,5% số dự án thực hiện; Thanh Hóa có 1.495 dự án khởi công mới, chiếm 64,9% số dự án thực hiện; Hà Tĩnh có 884 dự án khởi công mới, chiếm 61,5% số dự án thực hiện…
TP.HCM và TP. Hà Nội mỗi thành phố có trên dưới 1.500 dự án khởi công mới, chiếm tỷ lệ lần lượt là 54,6% và 48% số dự án thực hiện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam khởi công mới lần lượt 3.281 dự án (chiếm 67,3% số dự án thực hiện) và 3.577 dự án (chiếm 84,3% số dự án thực hiện).
Bộ KH&ĐT khuyến nghị, trong thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư vẫn còn rất nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, đề nghị các cơ quan xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án thực hiện đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.
Chậm tiến độ, điều chỉnh hàng nghìn dự án
Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2018, các cơ quan đã ưu tiên bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn vốn nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công. Tổng số vốn thanh toán nợ đọng XDCB trong năm là 12.050 tỷ đồng. Số nợ đọng XDCB còn lại là 12.554 tỷ đồng.
Một số đơn vị còn nợ đọng vốn đầu tư XDCB lớn như: Ninh Bình (4.480 tỷ đồng), Thái Nguyên (2.035 tỷ đồng), Phú Thọ (1.463 tỷ đồng)… Một số tỉnh dùng khái niệm “nợ giá trị khối lượng hoàn thành” như Lạng Sơn còn nợ 1.334,7 tỷ đồng.
Bộ KH&ĐT đề nghị các đơn vị rà soát, làm rõ số nợ đọng XDCB đến thời điểm hiện nay có thuộc đối tượng được thanh toán theo Điều 106 Luật Đầu tư công hay không. Trường hợp số nợ đọng phát sinh sau ngày 1/1/2015 là không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.
Trong năm 2018 có 2.434 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, chiếm 4,3% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1.147 dự án, chiếm 2% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (881 dự án, chiếm 1,58% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh vốn đầu tư (798 dự án, chiếm 1,4% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh do các nguyên nhân khác (790 dự án, chiếm 1,37% số dự án thực hiện trong kỳ).
Bộ KH&ĐT lưu ý, việc giải ngân không đạt kế hoạch làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.