Đầu tư và thương mại Việt - Trung: Bức tranh nhiều gam màu sáng

(BĐT) - Trong 4 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc là một trong 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có số dự án và vốn đăng ký đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hoạt động thương mại giữa hai nước cũng tiếp tục ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ. Bức tranh quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đang hiện lên nhiều gam màu sáng.
Trung Quốc có 1.633 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 11,214 tỷ USD . Ảnh: AFP Photo
Trung Quốc có 1.633 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 11,214 tỷ USD . Ảnh: AFP Photo

Đối tác kinh tế lớn

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những bước phát triển thuận lợi. Trung Quốc liên tục là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Trong 3 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 6,199 tỷ USD với các mặt hàng chủ lực như: thủy sản, rau quả, hạt điều, chè, gạo, hóa chất, gỗ và sản phẩm gỗ…

Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm 2015, với 40 loại mặt hàng. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch 2016 đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2015.

Về đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam với 80 dự án cấp mới, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 735,17 triệu USD; 15 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 37,98 triệu USD. Số lượt góp vốn mua cổ phần là 256 lượt với giá trị 129,5 triệu USD. Tính chung, tổng số vốn đăng ký của nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam trong 4 tháng là 902,66 triệu USD.

Lũy kế đến nay, Trung Quốc có 1.633 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 11,214 tỷ USD, giá trị thực hiện đạt 3,57 tỷ USD. Những dự án này đã góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy đầu tư sang thị trường Trung Quốc. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác

Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 11/5 - 15/5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Theo Chủ tịch nước, để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chuyển động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến. Trong quá trình này, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua các dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lượng sạch...

Nhằm phát huy lợi thế của việc giao thương qua con đường mậu dịch tiểu ngạch, góp phần vào việc cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, thời gian qua, hàng loạt giải pháp đã và đang được triển khai như thành lập Tổ liên ngành nghiên cứu mặt hàng mới và ký kết Hiệp định Kiểm dịch động, thực vật; hình thành chuỗi đô thị - cửa khẩu, phát triển tuyến hành lang kinh tế.

Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, ngay trong giai đoạn này, các DN xuất khẩu Việt Nam ngoài việc nâng cao chất lượng hàng hóa, quảng bá sản phẩm, cần có biện pháp tăng cường xúc tiến thương mại để tận dụng “từng ly từng tý” những cơ hội để đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. Ông Khôi lưu ý, các DN Trung Quốc có tính liên kết rất tốt, nhưng các DN Việt Nam thì ngược lại. Hầu như các DN Việt Nam khi xuất khẩu vẫn hoạt động đơn lẻ, do thiếu sự phối hợp, liên kết.