Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp tư nhân nhằm giảm tác động của Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tái cơ cấu khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn, đặc biệt đối với doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Những năm gần đây đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân (ảnh minh họa: Internet)
Những năm gần đây đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân (ảnh minh họa: Internet)

Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 98/NQ-CP) đã ban hành được gần 3 năm.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, nhận thức và hành động đối với vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được nâng lên. Khung pháp luật và chính sách tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính tiếp tục được gỡ bỏ và đơn giản hoá. Tinh thần khởi nghiệp tiếp tục được lan toả rộng rãi, số lượng DN thành lập mới không ngừng tăng lên hàng năm với kỷ lục về số lượng được xác lập sau mỗi năm từ khi triển khai Nghị quyết.

Những năm gần đây đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn và đã tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, hiện đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong xuất khẩu; năng lực khoa học - công nghệ còn thấp. Các DN khu vực tư nhân phần lớn không đủ khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị toàn cầu…

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 98/NQ-CP và các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, DN vừa và nhỏ; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm chi phí cho DN.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; triển khai có hiệu quả các quy định của Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…, cũng như ban hành các hướng dẫn thi hành kịp thời.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác đối tác công - tư, tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường PPP. Đẩy mạnh tái cơ cấu DN khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn, nhất là vấn đề dịch bệnh Covid-19 theo hướng đa dạng hóa về nguồn hàng, khách hàng và thị trường, đặc biệt đối với DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như vận tải, du lịch, nông sản xuất khẩu và các DN công nghiệp chế tạo phụ thuộc nguồn nguyên, vật liệu từ nước ngoài...

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung phát triển chuỗi giá trị và liên kết; tích cực triển khai các quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động xem xét, bố trí vốn cho việc triển khai hoạt động, chương trình, kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được phê duyệt trong năm 2020 và trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...

Tin cùng chuyên mục