Ảnh Internet |
Không thể phủ nhận lợi ích của ETC
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐB, việc áp dụng hình thức ETC là chủ trương lớn của Chính phủ. Hệ thống ETC sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chính xác doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ, minh bạch hóa quá trình thu; quản lý đăng kiểm xe; quản lý đăng ký xe chính chủ; điều tra, theo dõi xe bị mất trộm; thống kê, điều tiết lưu lượng xe tham gia giao thông.
Đối với xã hội thì ETC sẽ giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí; giảm chi phí về thời gian lưu thông trên đường cho người tham gia giao thông; góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt. Còn đối với nhà đầu tư BOT, ETC sẽ giúp hạn chế tình trạng gian lận phí của nhân viên thu phí, từ đó kiểm soát được doanh thu…
Trong thời gian qua, TCĐB và các cơ quan liên quan đã tích cực chỉ đạo các nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp dịch vụ thu giá để tiến hành lắp đặt và vận hành các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, sở dĩ tiến độ thực hiện chưa bảo đảm là do ý thức của nhà đầu tư BOT và người dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC chưa cao, nhiều nhà đầu tư không muốn từ bỏ công nghệ thu phí lạc hậu, thủ công; vẫn có nhà đầu tư chưa tạo điều kiện để nhà cung cấp dịch vụ ETC cải tạo, lắp đặt thiết bị…
Lộ trình cụ thể áp dụng ETC
Theo TCĐB, đối với các dự án đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chậm nhất đến ngày 31/12/2018, nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức ETC. Đối với trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được xây dựng sau ngày 1/1/2019, nhà đầu tư phải thực hiện bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay sau khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá.
Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá.
TCĐB cũng đưa ra lộ trình triển khai ETC theo 4 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu có barrier, gồm: xe có dán thẻ E-tag (thiết bị đọc kết nối mã định danh) và có đủ tiền trong tài khoản thì barrier tự động mở cho xe đi (giai đoạn 1 từ năm 2016 - 2019); xe có dán thẻ E-tag thì barrier tự động mở và phải ban hành chế tài thu hồi nợ phí đối với các xe không có đủ số dư trong tài khoản (giai đoạn 2 từ năm 2019 - 2020).
2 giai đoạn còn lại thì không có barrier, gồm: tăng tốc độ xe qua trạm thu phí lên tới 60 km/h, đơn làn tự do và có đảo thu phí, hoàn thiện chế tài thu hồi nợ phí đối với các xe không có đủ số dư trong tài khoản (giai đoạn 3 - năm 2021); tăng tốc độ xe qua trạm thu phí lên tới 120 km/h, đa làn tự do không có đảo thu phí (giai đoạn 4 - từ năm 2022 trở đi).
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư BOT tỏ ra đồng tình với chủ trương áp dụng ETC của Chính phủ và cam kết sẽ nỗ lực phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ ETC để đạt được các mục tiêu theo lộ trình. Đại diện Công ty CP Tập đoàn Cienco4 khẳng định rất ủng hộ chủ trương này của Nhà nước. 2 trạm thu phí của nhà đầu tư này là trạm Hoàng Mai đã đưa vào sử dụng dịch vụ ETC từ tháng 7/2017 và trạm Bến Thủy đã đưa vào sử dụng dịch vụ ETC từ tháng 12/2017. Tuy nhiên, số lượng người dân lựa chọn sử dụng ETC qua 2 trạm vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, Nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ ETC cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân, có chính sách để người dân hưởng ứng sử dụng dịch vụ này.